Cần bảo tồn di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế

Với những giá trị độc đáo không thể thay thế, hệ thống văn thơ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đang được lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại.
Môtip trang trí ''nhất thi nhất họa'' (một bài thơ thì đi kèm với một bức tranh) trong điện Thái Hòa. (Nguồn: hue.vnn.vn)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống nhất chủ trương để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là di sản ký ức thế giới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tiến sỹ Phan Thanh Hải về nội dung này.


- Xin ông đánh giá khái quát về giá trị di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Hệ thống di tích Cố đô Huế hiện còn bảo tồn được hàng ngàn đơn vị văn thơ chữ Hán, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn nhất định trong lịch sử Việt Nam.

Đây là một di sản tư liệu độc đáo, có giá trị ở tầm quốc gia và quốc tế. Nếu được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới, thì không những ghi nhận những giá trị của di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong tương lai.

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc gỗ cung đình Huế là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván ở các di tích kiến trúc Huế được xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945).

Đặc biệt, phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" ở kiến trúc Huế đã hình thành và phát triển rực rỡ ngay trong giai đoạn này, rồi trở thành như một điển lệ của triều đình trong trang trí công trình kiến trúc cung đình từ đó về sau.

Ngoại trừ một số di tích quan trọng được trang trí rất nhiều thơ văn đã bị phá hủy trong chiến tranh (1947) như Thái Tổ Miếu, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái..., danh mục di tích có văn tự và số lượng ô văn tự hiện còn (chưa tính số ô hộc thơ khảm sành sứ ở lăng Khải Định) thì có tới 2742 ô thơ.

Điển hình ở Hoàng Thành, Điện Thái Hòa có 242 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 679 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 110 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng.

Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.

Bài thơ ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện Thái Hòa được xem như bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn: ''Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu,'' tạm dịch: ''Nước ngàn năm văn hiến/ Mở rộng quy mô xưa/ Từ Hồng Bàng mở cõi/ Phương Nam một Đường Ngu'' (Đường và Ngu là 2 nước được xem là tiêu biểu cho thịnh trị, văn minh trong tư tưởng Nho giáo); hoặc cũng là bài thơ trên điện Thái Hòa: ''Thái bình tân chế độ/Hiên khoát cưu quy mô/ Văn vật thanh danh hội/Xuân phong mãn đế đô,'' tạm dịch: ''Thái bình chế độ mới/ Mở rộng quy mô xưa/ Văn vật về tụ hội/ Gió xuân khắp đế đô.''

Đây đều là các trước tác được tuyển chọn trong vô số các tác phẩm đặc sắc của vua quan và hoàng tộc triều Nguyễn.

Thông thường, một công trình kiến trúc nào đó được lên kế hoạch xây dựng, tùy theo quy mô, tầm quan trọng, kiểu thức và công năng của công trình, các đại thần uyên bác bậc nhất của triều đình sẽ được lệnh tuyển chọn văn thơ trong phạm vi nào đó (thường là của Hoàng đế), hoặc sáng tác tức thời, rồi lập thành văn bản dâng lên cho Hoàng đế xem xét, hiệu chỉnh rồi phê duyệt.

Từ đây, căn cứ vào thiết kế, các nhà mỹ thuật hoạch định phong cách bài trí; rồi giao cho các nhà thư pháp bậc nhất trình bày; sau đó giao lại cho các nghệ nhân mộc tài hoa nhất của cung đình hoặc chạm khắc nổi, hoặc chạm khắc chìm (loại này thường được sơn son thếp vàng), hoặc cẩn xà cừ hay cẩn ngà voi... trên các tấm gỗ quý kích cỡ định sẵn, đợi lắp dựng vào công trình, mỗi ô thơ thường đi kèm với một ô họa tạo nên phong cách đặc trưng của mỹ thuật trang trí truyền thống Huế.

- Vậy công việc sưu tầm, bảo tồn hệ thống di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế hiện nay ra sao, thưa ông?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Trước hết, phải nói về tính xác thực của hệ thống di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Bởi, văn tự chữ Hán được chạm khảm trên gỗ ở kiến trúc Huế là những bản gốc duy nhất hiện còn ở hệ thống di tích Cố đô Huế.

Trong lịch sử xây dựng và tu sửa các công trình từ triều Nguyễn chưa hề có tư liệu nào đề cấp đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích.

Từ sau triều Nguyễn cáo chung (1945), việc trùng tu sửa chữa đến các chi tiết trang trí "nhất thi nhất họa" không hề được đặt ra.

Trong 3 thập niên vừa qua, kỹ nghệ trùng tu di tích ngày càng tiến bộ, sự quan tâm của cả nước và quốc tế đến công cuộc bảo tồn di tích ngày càng sâu sắc, song các ô hộc thơ văn chữ Hán hiện còn vẫn là hiện trạng gốc, không hề có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới.

Đến nay, công cuộc bảo tồn phát triển rực rỡ, văn tự chữ Hán trên di tích luôn được nhìn nhận là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, vừa hàm chứa một giá trị lịch sử quý báu, nên càng lúc càng được bảo tồn trân trọng.

Trong những năm gần đây, nhiều di tích được trùng tu lớn, các văn tự này ở một số nơi được tôn vinh bằng cách dặm vá lại bằng sơn son và thếp vàng (vàng thật) như nó đã là trong quá khứ, vừa đảm bảo tính lịch sử vừa thể hiện sự trân trọng với mảng văn hóa độc đáo này.

Di sản tư liệu hệ thống di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế như đã nêu có giá trị rất độc đáo và không thể thay thế. Nếu một số thứ bị mất, hỏng sẽ làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của một mảng di sản nhân loại.

Di sản này tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.

Ở đây, cần nhấn mạnh đây là một di sản tư liệu hết sức độc đáo và duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam; và theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, chưa thấy di tích nào trên thế giới có một hệ thống văn tự trình bày theo lối "nhất thi nhất họa" gần như biến thành một lề lối phép tắc quy củ của triều đình như ở trên di tích cung đình Huế. Độc đáo ở Việt Nam và độc đáo trên thế giới là điều mà đa số thừa nhận, thể hiện qua nhiều khía cạnh.

Qua phân tích trên, có thể nhìn nhận đây là một di sản tư liệu độc đáo và không thể thay thế, không thể làm mới được. Nếu di sản này không còn nữa, hoặc bị mất mát, hư hỏng, thì di sản văn hóa nhân loại sẽ bị khuyết đi không phải chỉ là một di sản tư liệu mà còn là một thể loại di sản độc đáo, riêng có ở Huế - Việt Nam; sẽ làm nghèo đi về di sản và loại hình di sản trong kho tàng di sản của loài người.

Đây là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.

Hiện tại, toàn bộ hệ thống tư liệu này đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như để hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc.

Dự định trong những năm tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo về khối tư liệu này để rộng đường nghiên cứu và thưởng lãm cho mọi tầng lớp nhân dân.

Khó khăn nhất hiện nay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng di sản tư liệu này.

Tuy mỗi ô thơ là một cổ vật, nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm.

Hệ thống này vẫn đang tiếp tục chịu đựng sự tàn phá của thời gian, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như 200 năm vừa qua chúng đã chịu đựng.

Tất nhiên, nhiều cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan yếu.

Mục tiêu chiến lược của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là xây dựng hồ sơ, chuẩn bị đề nghị UNESCO đưa hệ thống thơ văn trên kiến trúc gỗ cung đình Huế vào Danh mục Di sản ký ức của nhân loại.

Nếu hệ thống này được UNESCO công nhận là Di sản ký ức hẳn sẽ dễ dàng tiếp thu những công nghệ bảo quản hiện đại nhằm lưu trữ một kho tàng vô giá của nhân loại.


- Xin cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục