Trước thực tế các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 5,8 tỷ USD và khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu gần 8,5 tỷ USD nhiều chuyên gia khẳng định, đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.
Bởi, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng thể hiện sự phục hồi trong sản xuất.
Với một nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, mức tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong giới hạn là có thể chấp nhận được.
Nhiều tín hiệu vui
Tính đến hết tháng Tư vừa qua kim ngạch xuất khẩu có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt mức tăng trưởng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã giảm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tư vừa qua đạt 16,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch hàng hóa 4 tháng lên 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Mức tăng này cũng vượt nhiều lần so với con số Quốc hội giao cho ngành công thương trong năm nay (tăng 6-7%). Tất cả các nhóm hàng xuất khẩu đều có sự tăng trưởng về kim ngạch với mức tăng từ 12-43,6%.
Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước - động lực chính của nền kinh tế đã liên tục tăng cao, gần bằng mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 16,1%).
Theo đó, nếu tính gộp cả 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đã đạt 17,3 tỷ USD, tăng đến 13,7%. Nếu so sánh với con số tăng nhẹ 3,4% của cùng kỳ năm 2016, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Đại diện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, ông Ngô Văn Thái, Giám đốc công ty cơ khí Trần Hưng Đạo, Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của công ty lớn nhất là 55%. Do đó, công ty vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm, linh kiện nhập khẩu chiếm có giá trị gần 500.000 USD.
[Cả nước nhập siêu 2,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm]
Còn theo ông Hồ Đức Hà, Phó trưởng phòng Cung ứng Công ty cổ phần Fecon, các mặt hàng nhập khẩu chính của công ty bao gồm thép để sản xuất cọc bêtông dưỡng lực và máy móc thiết bị phục vụ thi công. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu của công ty năm nay có tăng hơn.
Nhận định về vấn đề này, giới phân tích cho rằng, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng được doanh nghiệp nhập về phục vụ sản xuất chiếm tới gần 40%.
Các loại hàng hóa nhập khẩu chiếm tới 11 tỷ USD cho thấy sự phục hồi trong khu vực sản xuất.
Cũng trong 4 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm và Hàn Quốc đã vươn lên đứng đầu với mức 7,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam và nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có chọn lọc hơn về nhà đầu tư.
Hỗ trợ tối đa
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu Việt Nam phát triển xuất khẩu thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện vào Việt Nam, dẫn đến gia tăng nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc phải nhập khẩu nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến xuất khẩu cho thấy, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Vì thế, cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.
Tuy nhiên, để hạn chế nhập khẩu những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Cùng với đó, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu.
Ngoài ra, phải tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính, một số thị trường chủ lực.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần phát huy nội lực của những mặt hàng thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày bằng cách nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để sản phẩm vẫn được người mua tín nhiệm và đứng vững dù thị trường có biến động.
Còn theo các nhà phân tích, nhập siêu đang ở mức 4,5%, cao hơn mục tiêu được Quốc hội thông qua (mục tiêu 3,5%).
Do đó, cũng cần lưu ý các vấn đề về chính sách tỷ giá, cơ cấu nhập khẩu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Bởi, hiện nay xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm hơn 70%, trong khi đó khối doanh nghiệp nội địa đang bị co lại và trở thành những nhà cung ứng nhỏ lẻ./.