Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh mới, không giới hạn về không gian, thời gian và đang dần chi phối thế giới nhờ chiếm lĩnh thị trường bởi lợi thế của internet. Ở Việt Nam, thương mại điện tử đang là miền đất hứa của các doanh nghiệp khi đã có nhiều cái tên rất nổi của kênh bán hàng online như Alibaba, Amazon, Sendo, Shopee... Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh như vũ bão thì các quy định về quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế phát triển của loại hình kinh doanh này.
Còn nhiều kẽ hở
Thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về tình trạng hàng loạt các chợ thương mại điện tử có thương hiệu nổi tiếng lại bán hàng giả, hàng nhái. Hơn nữa, nhiều trang bán hàng online cũng không ngần ngại thừa nhận việcbán sản phẩm hàng nhái các thương hiệu cao cấp có tiếng trên thị trường với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Đây không phải là câu chuyện mới của thương mại điện tử bởi quản lý chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử vốn là bài toán đau đầu và cần sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng, bao gồm hải quan, quản lý thị trường đến chính quyền địa phương.
Theo giới chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp đang làm sàn thương mại điện tử hiện nay như: Shopee, Lazada, Sendo… khi cho doanh nghiệp bày bán trên trang riêng của mình đều có những quy định rất cụ thể về mặt hàng sẽ kinh doanh.
Hơn nữa, mỗi website lại có những quy định riêng về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái và khi vi phạm doanh nghiệp đều bị gỡ bỏ ra khỏi hệ thống.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp là người quản lý chợ. Bởi, họ chỉ quản lý về mặt hàng bày bán không vi phạm quy định. Còn để phân biệt được đâu là hàng giả, hàng nhái thì cần có nghiệp vụ hay chuyên môn thực tế.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nêu rõ, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhận định về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Hữu Tuấn đánh giá năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, quy mô thị trường này sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Dù vậy, ông Nguyễn Hữu Tuấn vẫn thẳng thắn thừa nhận, việc quản lý lĩnh vực thương mại điện tử đang gặp không ít khó khăn khi tốc độ tăng trưởng nhanh và cùng với sự phát triển về công nghệ đã khiến những dự báo về thương mại điện tử trở nên lỗi thời.
Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng gặp phải vấn nạn hàng giả. Đơn cử như tại châu Âu thời gian qua có tới 55% khách hàng phản ánh đã mua phải hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, thời gian qua có rất nhiều khiếu nại về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn thương mại điện tử. Điều này cho thấy, việc quản lý chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Siết chặt quản lý
Nhận định xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những kẽ hở lớn của hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nằm ở khâu quản lý tài khoản bán hàng online.
Vì nếu đã có quy định chủ sàn thương mại điện tử phải thu thập, lưu trữ thông tin của cá nhân, đơn vị đăng ký bán hàng trực tuyến thì cần bổ sung giải pháp thắt chặt hơn nữa quy định về nghĩa vụ kiểm soát tài khoản bán hàng của chủ sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh phức tạp, đòi hỏi sự quản lý tổng hợp từ nhiều ngành mới có thể lấp được những kẽ hở và phải bóc tách để giải quyết từng vấn đề. Hơn nữa, nhiều giao dịch trên mạng không có thông tin rõ ràng, cụ thể về người bán nên khó quy trách nhiệm.
Vì thế, trong lúc đợi cơ quan quản lý vào cuộc, người dùng phải chủ động bảo vệ mình, không mua những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ và địa chỉ kinh doanh rõ ràng.
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ông Đặng Hoàng Hải cho biết cục đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý việc bán hàng trên mạng. Vì vậy, các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng trên mạng phải có cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất Nhập khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng như hàng hóa sản xuất trong nước và sẽ xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nếu cần thiết sẽ đề nghị xử lý hình sự.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh cho biết dự kiến trong quí III/2019, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ cho ra mắt hệ thống chống hàng giả. Điều này nhằm giúp lực lượng chức năng có thể nhận biết ngay cơ sở bán hàng nào, doanh nghiệp nào của Việt Nam bị thu hồi hàng giả, hàng nhái để xử lý nhanh và triệt để hơn.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động để lực lượng chức năng có thể trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp xung quanh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả. Đây là vấn đề trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường trong năm nay và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, với tỷ lệ dân số đông, lại rất trẻ và tỷ lệ dùng điện thoại thông minh tương đối lớn, việc mua bán qua mạng đang là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lợi dụng bán hàng trôi nổi, không có nguồn gốc.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian tới./.