Cần giải pháp đột phá để 'trụ cột' kinh tế đứng vững trước thiên tai

Trong khi các ngành kinh tế điêu đứng trước tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thiên tai…thì nông nghiệp "vụt sáng" thành “trụ cột” của nền kinh tế, nhưng làm sao để phát triển bền vững?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Với con số 41 tỷ USD xuất khẩu, ngành nông nghiệp trở thành “trụ cột” của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cả nước đang gặp gặp khó trước những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch COVID-19, thiên tai… Tuy nhiên, làm thế nào để nông nghiệp phát triển bền vững trước các thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu?

Bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu các địa phương đã có ý kiến về vấn đề này.

"Trụ đỡ của nền kinh tế"

- Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do dịch bệnh COVID-19, thiên tai, ông đánh giá thế nào về vai trò trụ cột mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển rất đột phá. Lần đầu tiên chúng ta thấy tư duy của người nông dân đã dịch chuyển được từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ sang sản xuất hàng hóa.

Tất nhiên đây là kết quả từ cả quá trình lâu dài nhưng trong nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nhất, gần như tất cả các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã có mã CQ [giấy chứng nhận chất lượng-PV], tem CR [tem chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng-PV].

[Nỗ lực đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong xuất khẩu nông nghiệp]

Đây chính là điểm mấu chốt, là điều kiện tốt để sản phẩm nông nghiệp khẳng định được trên thị trường nội địa và có thể đáp ứng thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập nhiều hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Con số 41 tỷ USD xuất khẩu vừa qua một lần nữa khẳng định vai trò của nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ đại dịch COVID-19. Tôi cho rằng thời điểm này có thể khẳng định nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Bởi thế, việc xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững sẽ trở thành hỗ trợ đắc lực cho bà con nông dân, đặc biệt là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của bão lũ.

Ngoài ra, nếu chúng ta làm tốt việc tái cơ cấu, tập trung cao cho việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp sẽ đảm bảo an toàn, an ninh lương thực và tạo cho bà con sinh kế mới để vượt qua hệ lụy, hậu quả nặng nề của thiên tai trong thời gian qua.

- Đại biểu đánh giá thế nào về việc nâng cao áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp để thúc đẩy không chỉ sản xuất nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt thời gian qua?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng: Từng có thời gian dài quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tôi cho rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đem lại hiệu quả rõ nhất. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta hiện nay đều được quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có nhiều cơ sở chế biến sản phẩm nông sản như hiện nay với hơn 60 nhà máy sản xuất, chế biến được khánh thành trong giai đoạn vừa qua. Đấy cũng là thành công, là tác động của khoa học công nghệ.

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm hơn đến việc áp dụng đồng bộ các kết quả nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thủy sản. Cần xây dựng chuỗi liên kết đồng bộ giữa người nông dân, các hộ gia đình với các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng thị trường và các cơ quan quản lý để thực sự tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa không những phục vụ nhu cầu trong nước mà tiến tới xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính nhất.

Cách nào để nông nghiệp 'vượt qua' thiên tai?

- Mặc dù nông nghiệp đã khẳng định vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng trong bối cảnh mưa lũ liên tục như vừa qua, theo đại biểu, cần có những giải pháp ra sao để hạn chế những tác động tiêu cực vào ngành kinh tế dễ bị tổn thương này?

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Tôi cho rằng, mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng ngành nông nghiệp thời gian qua đạt kết quả tích cực, đặc biệt trong năm 2020.

Nếu như không có thiên tai, bão lũ và xâm nhập mặn có lẽ nông nghiệp sẽ đạt được kết quả cao hơn và thực sự đóng vai trò là “bà đỡ,” là trụ cột cho nền kinh tế đất nước. Điều này cũng đã chứng minh rất rõ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Cần giải pháp đột phá để 'trụ cột' kinh tế đứng vững trước thiên tai ảnh 1Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trước những biến động khôn lường của khí hậu hiện nay, theo tôi cần phải đánh giá trở lại những tác động của thiên tai đối với nông nghiệp để tái cơ cấu lại ngành nghề-cây-con và có những giải pháp phù hợp để chống chịu với thiên tai. Đi liền với đó cần có những chính sách đầu tư hỗ trợ cho các vùng thiên tai, chịu thiệt hại nhiều nhất để bà con ở đó có điều kiện phát triển.

Tôi nghĩ rằng với sự đồng lòng của nhà nước và đức tính cần cù, sáng tạo, vươn lên của bà con nông dân thì nông nghiệp của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

- Với những vùng thiên tai bão lũ liên miên, đại biểu có những góp ý vụ thể gì trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội: Tôi cho rằng với những vùng bão lũ liên miên, để phát triển kinh tế nông nghiệp thì cơ cấu mùa vụ là quan trọng nhất. Tổ chức sản xuất phải tránh được những thời điểm mưa lũ thì có thể bảo vệ được thành lao động.

Cần giải pháp đột phá để 'trụ cột' kinh tế đứng vững trước thiên tai ảnh 2(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Khu vực bão lũ cũng cần phải chuyển đổi các giống cây con, sao cho phù hợp. Việc trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải tính toán trước tác động bất lợi của tự nhiên để có thể “lách” khó khăn...

Tôi nói lại câu chuyện bảo vệ môi trường là phải trồng rừng. Chúng ta không thể đánh đổi kinh tế ngắn hạn lấy những cái giá lâu dài của việc phá rừng, hủy hoại môi trường rừng như vừa qua.

- Xin cảm ơn chia sẻ của các đại biểu./.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục