Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng sáng 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Bộ khẩn trương xây dựng một Kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 là cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.
Như vậy sau các yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính để giảm thời gian làm thủ tục về thuế và hải quan được đưa ra tại các cuộc làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải Quan vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đưa ra yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhằm mục tiêu cải thiện nhanh chóng và mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành nhất là những kết quả, tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế về cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng; nhấn mạnh những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể giảm số lượng và thời gian làm thủ tục trong đầu tư xây dựng.
Dẫn số liệu Báo cáo của Ngân hàng thế giới về bộ 11 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là trong năm 2013 chỉ số về giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng đạt thứ hạng cao nhất trong 11 chỉ số, xếp thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2012 (67/183), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc đạt được thứ hạng như vậy là một nỗ lực lớn, một tiến bộ lớn; song cũng phải đặt ra câu hỏi rằng có thể cải cách được nữa không bởi trên thực tế thời gian cấp phép đối với đầu tư xây dựng còn dài, còn chậm, cũng còn những mặt chưa được minh bạch, còn nhũng nhiễu, chưa thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
Những hạn chế này làm tăng chi phí đầu tư các dự án, công trình, chi phí của nền kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của từng dự án cũng như của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
“Nhìn tổng thể thời gian cấp phép còn quá dài, còn chậm so với yêu cầu, so với khả năng của chúng ta, thủ tục còn nhiều quá, còn phiền hà, còn nhiều kẽ hở, trong khi tốc độ, thời gian chính là sức mạnh,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Từ nhận định như trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng một Kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 là cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Kế hoạch hành động phải nêu rõ việc nào Bộ làm, việc nào Bộ làm và các Bộ khác phối hợp, việc nào yêu cầu phải phân cấp cho địa phương quyền và trách nhiệm. Phải xác định đây là một trọng tâm. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành xây dựng có vai trò, vị trí quan trọng. Phải có kế hoạch, hành động thật cụ thể.”
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, nhất là trong đầu tư xây dựng phải đặc biệt quan tâm hoàn thiện thể chế, cơ chế.
Căn cứ vào Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phải quan tâm tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng; tạo thuận lợi để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng đồng thời phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của nhà nước.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ rút ngắn thời gian thực hiện để không gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo được tính chặt chẽ; không phải cải cách chỉ đơn thuần là cắt bỏ mà cái cần quản lý phải quản lý chặt chẽ; các thông tư, hướng dẫn phải thực hiện đồng bộ trong cả nước. Đi liền với đó là tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Vấn đề gì cần phải quy định để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thì phải quy định, vấn đề nào không cần thì phải loại bỏ. Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại.”
Liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung mạnh vào chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho người nghèo, vùng ngập lũ, nhà cho các đối tượng chính sách; Rà soát lại các chính sách đã ban hành, sửa đổi, bổ sung, kiến nghị cơ chế, chính sách trong phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội theo hướng nhà nước hỗ trợ, người dân cùng làm.
Cùng với đó, Bộ cũng cần hết sức lưu ý quan tâm đến chỉ đạo tái cơ cấu các doanh nghiệp của Bộ đó các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ theo hướng nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp, tập trung mạnh vào cổ phần hóa doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kiến trúc, quy hoạch trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước.
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, công bố thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; đề xuất bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết và sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính cho phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.
Quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính có tác động nhiều đến doanh nghiệp, người dân đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân triển khai dự án đầu tư xây dựng được thuận lợi, góp phần chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đồng thời giúp cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan được giao thực hiện thủ tục hành chính.
Theo Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thông thường phải thực hiện khoảng 15 thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính khoảng từ 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục (như thủ tục liên quan đến sử dụng đất và thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng công trình...). Trường hợp nếu đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.
Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thông thường phải thực hiện khoảng 19 thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của nhà đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kể cả công tác giải phóng mặt bằng khoảng từ 392 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục như thủ tục liên quan đến sử dụng đất và thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng công trình. Trường hợp nếu đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu ra một số hạn chế, vướng mắc cần sớm được khắc phục, trong đó nổi lên là, tình trạng dự án đầu tư xây dựng bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hiệu quả của dự án đầu tư; một số thủ tục hành chính còn chồng lấn, lệ thuộc vào các thủ tục hành chính khác; có những quy định về hồ sơ trong thủ tục hành chính chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trong một số trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu công cụ quản lý đầu vào làm căn cứ cho việc thực hiện thủ tục hành chính, gây nên vướng mắc, thậm chí là ách tắc trong thực hiện thủ tục hành chính, có trường hợp dẫn đến tùy tiện, phát sinh cơ chế “xin - cho” trong thực hiện thủ tục hành chính./.