Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đang bị xuống cấp nặng.
Cụ thể, các hạng mục chính của chùa đã xuống cấp; nhiều cột, trụ của chùa bị mối mọt; một phần mái ngói chùa Hạ xô lệch bị thấm dột khi mưa; đá ong lối lên xuống chùa bị vỡ, hỏng gây mất an toàn cho khách tham quan và di tích.
Đáng lưu ý, hệ thống tượng cổ đang bị bong tróc sơn, chân đế một số pho tượng bị bong gãy, nếu không kịp thời tu bổ sẽ càng xuống cấp nặng.
Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích nằm trong khu dân cư sinh sống lâu đời, cần được di dân, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo không gian văn hóa Phật giáo tiêu biểu, phát huy giá trị của điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của huyện Thạch Thất.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc đầu tư dự án quy hoạch, di dân tái định cư tạo không gian cho di tích và dự án tôn tạo, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương là hết sức cấp bách và cần thiết.
Tại tờ trình đề xuất danh mục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt cuối tháng 1/2022, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Quy mô đầu tư gồm: Quy hoạch, di dân tái định cư tạo không gian cho Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tôn tạo, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng.
Nếu được thành phố chấp thuận, việc tu bổ, tôn tạo chùa Tây Phương khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
[Chùa Tây Phương và chùa Thầy đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt]
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện ngày 30/12/2021, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, đối với đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, chủ trương đã được Thành ủy chỉ đạo tại Thông báo số 173-TB/TU ngày 16/3/2021, Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phân công, chỉ đạo tại Văn bản số 173-CV/BCS ngày 24/3/2021 (giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng và Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất triển khai thực hiện).
Tại cuộc làm việc, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất giao nhiệm vụ hỗ trợ cho đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao sớm có văn bản chính thức tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất theo quy trình, quy định hiện hành.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, do chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt nên việc đầu tư tôn tạo, tu bổ phải tuân thủ đúng quy trình.
Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tôn tại, tu bổ di tích chứ không buông lỏng.
Chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự, chùa Tây) tọa lạc trên núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Chùa Tây Phương được xây dựng từ thế kỷ 17 được trùng tu nhiều lần. Đến thế kỷ 18, chùa được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Chùa Tây Phương là di sản văn hóa mang giá trị đặc biệt thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao. Hệ thống tượng Phật là điểm đặc sắc nhất, có thể coi đây như là một Bảo tàng tượng Phật của Việt Nam.
Các pho tượng Phật được làm bằng gỗ mít, được tạo tác công phu, tinh xảo, giá trị nghệ thuật điêu khắc vào bậc nhất nước ta.
Năm 2014, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia./.