Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) và dự án Luật về hội.
Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật dược. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005 cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập; góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.
Nhiều đại biểu đánh giá về cơ bản nội dung dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, cần sắp xếp bố cục hợp lý hơn, rà soát các quy định về phát triển công nghiệp dược, thuốc cổ truyền, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, giá thuốc để đảm bảo tương thích với Luật giá, Luật đấu thầu… và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định sửa đổi Luật Dược là điều được nhân dân mong chờ nhưng để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, dự án Luật cần bổ sung, hoàn thiện một số nội dung để luật có thể đi vào cuộc sống.
Cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, hiện nay thiếu định hướng quản lý Nhà nước, vì thế thị trường phát triển tự phát, doanh nghiệp ít nhưng nhiều sản phẩm trùng lặp, đầu ra không bảo đảm.
Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dược chịu tác động rất lớn, vì vậy cần tránh trường hợp xây dựng Luật chưa lâu lại phải sửa.
Về đấu thầu giá thuốc, đại biểu Phong Lan cho rằng vấn đề này rất phức tạp. Nếu đấu thầu tập trung thì chưa chắc hiệu quả vì ít doanh nghiệp lớn, sẽ có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách trúng thầu rồi “chạy làng” hoặc sau đó mới thuê để gia công thuốc rồi cung ứng.
Vì vậy, đấu thầu không nên là cách duy nhất, cần nghiên cứu để các bệnh viện uy tín được quyền mua thuốc với sự đồng ý của bảo hiểm y tế.
Liên quan đến quy định về quản lý giá thuốc, dự án Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc.
Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu, tuy nhiên đây là vấn đề cần quan tâm, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) nêu rõ giá thuốc hiện đang là vấn đề nhức nhối của Việt Nam. Cùng một loại thuốc nhưng giá bán ở các cơ sở kinh doanh khác nhau, nhiều nơi không niêm yết giá.
Một số công ty sẵn sàng chi phần trăm (%) hoa hồng cho các bác sỹ để kê toa thuốc của công ty đó. Người dân không thể biết được giá đó đúng hay sai nên họ là người thiệt thòi nhất, chịu áp lực về chi phí nhất.
Quy định hiện nay cũng chưa cho phép các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ đang trực tiếp phân phối thông qua các công ty dược trong nước qua nhiều đầu mối, trung gian, vì vậy giá thuốc bị đội lên cao.
Đại biểu đề nghị cần có một chương về nội dung này một cách rõ ràng, cụ thể về mạng lưới phân phối giá thuốc trong nước, tránh tình trạng phân phối qua nhiều đầu mối, qua nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên cao.
Các doanh nghiệp cần kê khai cụ thể, chi tiết trước khi lưu hành thuốc; sau khi lưu hành thuốc phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên để giám sát, niêm yết giá công khai xem có đúng giá trước khi lưu hành thuốc hay không…/.