Lai Châu là một trong những tỉnh có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đang triển khai thi công xây dựng.
Thế nhưng, việc đảm bảo an toàn lao động trên các công trường thủy điện đang nổi cộm khi gần đây có liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra dẫn đến chết người.
Các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, giám sát, kiểm tra để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm, hạn chế xảy ra các vụ việc tương tự.
Ngày 9/8, tại Thủy điện Nậm Cấu (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) xảy ra vụ tai nạn lao động do mìn bất ngờ phát nổ trong khi thi công hầm thủy điện, hậu quả khiến 2 người thương vong.
Vụ việc này, Công an tỉnh Lai Châu đã điều tra và khởi tố 5 người có liên quan. Trước đó, ngày 11/7 có 3 công nhân tử vong do ngạt khí khi thi công hầm Thủy điện Nậm Cuổi 1 tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.
Như vậy, trong vòng 1 tháng, đã có 4 người chết, 1 người bị thương. 2 vụ việc trên đều liên quan đến an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ trong quá trình thi công hầm thủy điện.
Có thể nói, các nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình thi công công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đã và đang có phần nào coi nhẹ đến các quy trình an toàn lao động, sử dụng lao động đúng chức năng đào tạo.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động ở các doanh nghiệp thủy điện đang thi công làm 5 người chết. Các vụ việc xảy ra do người sử dụng, quản lý lao động tại công trường thủy điện không tuân thủ quy định, quy trình về an toàn lao động, chưa tổ chức đánh giá nguy cơ, rủi ro trước khi tiến hành hoạt động thi công. Bên cạnh đó, trang bị bảo hộ chưa đảm bảo hay như người lao động chủ quan bỏ qua quy trình an toàn.
Đặc điểm chung ở Lai Châu là các công trình thủy điện đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại rất khó khăn. Vì thế, để quản lý, kiểm tra được vấn đề an toàn lao động và sử dụng lao động không thể thường xuyên. Có những thủy điện chấp hành nghiêm về an toàn lao động, nhưng cũng có nhiều đơn vị coi nhẹ việc này nên dẫn tới những tai nạn thương tâm, hậu quả khó lường.
Những ngày cuối tháng 8/2024, chúng tôi có mặt tại công trường thủy điện Vàng Ma Chải 2 ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ có chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Nam Việt.
Dự án có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng với 2 tổ máy, công suất 19 MW. Trên công trình luôn có gần 100 cán bộ, công nhân với nhiều bộ quận khác nhau làm việc như: Thi công hầm, nhà máy, lắp máy…
Qua kiểm tra nhận thấy, đơn vị thi công đều trang bị bảo hộ như: Mũ, găng tay, đồ bảo hộ làm việc… cho công nhân. Công ty này còn tập huấn an toàn lao động trên công trường với những tình huống, kịch bản có thể xảy ra.
Ông Trần Văn Thinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Nam Việt cho biết: Trong công tác an toàn lao động, công ty luôn đặt lên hàng đầu. Trước khi công nhân vào làm việc, đơn vị kiểm tra kỹ mọi đồ bảo hộ, khi đầy đủ thì mới cho vào công trường.
Đối với các công nhân thi công hầm, vật liệu nổ, những người này phải đúng với chứng chỉ đào tạo, quy định do cơ quan chức năng cấp phép. Thế nên, từ khi thi công vào năm 2021 cho đến nay, trên công trình chưa xảy ra vụ tai nạn lao động.
Đây là một trong những đơn vị thi công tuân thủ chặt chẽ về an toàn lao động tại công trường. Thế nhưng, hiện Lai Châu đang có 32 dự án thủy điện đang được thi công, liệu các chủ đầu tư, đơn vị thi công khác có có tuân thủ nghiêm các quy định hay coi nhẹ việc an toàn lao động để dẫn đến nguy cơ cao xảy ra các vụ việc đau lòng.
Toàn tỉnh Lai Châu đã có 122 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng công suất 3.866 MW. Hiện đã có 49 dự án đưa vào vận hành phát điện, 32 dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết, việc kiểm tra, giám sát an toàn lao động và sử dụng lao động tại các công trình thủy điện còn khó khăn vì các công trình này nằm ở địa bàn xa, đường đi hiểm trở, lao động ở công trường thủy điện thường có biến động. Trong khi đó, nhân lực làm công tác kiểm tra của Sở lại ít.
Theo ông Trần Văn Hùng, thời gian tới, Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường, chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến liên quan đến vấn đề an toàn lao động. Đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị trong việc chấp hành các quy định về pháp luật an toàn lao động tại công trình thủy điện; hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Cùng đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị thi công đảm bảo an toàn trong lao động, trang bị bảo hộ cá nhân cần được kiểm tra kỹ trước khi sử dụng cho người lao động; rà soát nhu cầu huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, tổ chức các lớp huấn luyện…
Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 7/2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu mới tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho gần 1.000 lượt lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, người lao động làm việc trong các nhà máy thủy điện chỉ có gần 350 lượt. Đây là một con số ít so với số lượng công nhân viên làm việc trên các công trường thủy điện vừa và nhỏ hiện nay./.
Sau tai nạn lao động ở Yên Bái: Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn lao động
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký Công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, xử lý vụ tai nạn xảy ra ở Công ty CP Ximăng-Khoáng sản Yên Bái.