Chính sách giao đất, giao rừng là một trong những chính sách trọng tâm gắn với quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tuy nhiên kết quả của chính sách thể hiện không đồng đều, dẫn đến sự bất bình đẳng trong nhận đất giữa các hộ tại một số địa phương và nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh.
Đó là nội dung được đưa ra bàn luận tại Hội thảo khoa học vai trò của giao đất giao rừng trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp do hai tổ chức Forest Trends và Tropenbos International phối hợp với Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI) vừa tổ chức sáng nay (16/4,) tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân đã và đang diễn ra gay gắt tại một số địa phương hiện nay, đó là: Người dân thiếu đất; bất bình đẳng trong sử dụng đất; cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tiến-Vụ trưởng vụ Nông nghiệp Nông thôn, ban kinh tế Trung ương cũng nhận định, mâu thuẫn đất đai có tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, bởi nó làm căng thẳng mối quan hệ giữa người dân, lâm trường, chính quyền địa phương và giữa người bên trong và bên ngoài cộng đồng.
“Mâu thuẫn gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, mất cơ hội liên doanh liên kết, hạn chế giá trị gia tăng cho nguồn gỗ khai thác thông qua chương trình gỗ có chứng chỉ,” ông Tiến nhấn mạnh.
Chính vì vậy, để giải quyết các mâu thiện hiện tại, các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng nhà nước cần có chính sách thay đổi hình thức quản lý, chuyển dần từ lâm nghiệp nhà nước sang lâm nghiệp hộ gia đình và cộng đồng; ưu tiên người dân, cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng hiệu quả công tác sử dụng đất, bảo vệ rừng.
Qua đó, các đại biểu cũng nêu ý kiến kiến nghị nhà nước cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự tham gia của các bên sử dụng đất của lâm trường, đặc biệt là các lâm trường đang quản lý đất rừng với mục đích trồng rừng đồng thời đánh giá, rà soát lại tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân và xác định nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ.
Trên cơ sở đó, các địa phương cần tiến hành chia phần đất của lâm trường hiện sử dụng không hợp lý (như sử dụng không hiệu quả, giao khoán chưa hợp lý…) để giao lại cho dân dựa trên nhu cầu đất canh tác tối thiểu. Mặt khác, phần còn lại (nếu còn) nhà nước tiến hành cho thuê đất dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng tham gia. Theo đó, nhà nước cần phải bố trí đủ kinh phí để thực hiện các công việc này./.