Ngày 28/3, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, đòi hỏi của sự phát triển, sức ép của dư luận là điều cần thiết, giúp các Đại biểu Quốc hội tỉnh táo, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri.
- Thưa Đại biểu Dương Trung Quốc, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc, ông có tâm tư gì?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Với báo cáo tổng kết, những thành tựu Quốc hội là điều đáng ghi nhận. Những người đã có quá trình 2 nhiệm kỳ trở lên cũng phải công nhận những thành quả đó qua mỗi thời kỳ.
Tuy nhiên, chúng ta mới đánh giá Quốc hội với nhau mà còn thiếu sự tương tác của Quốc hội với cử tri của mình. Chúng ta chưa có cơ chế, công cụ để đánh giá người dân có hài lòng hay không.
Tôi mong muốn Quốc hội phải có cơ chế khoa học để tập hợp, phân tích phản ứng người dân mới đánh giá Quốc hội thay đổi như thế nào. Bởi lẽ, Quốc hội phải thay đổi toàn diện. Ngày hôm nay có hỗ trợ được ngày mai không mới là vấn đề quan trọng chứ không phải theo tư tưởng ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua…
- Hiện nay, dư luận rất quan tâm tới việc bầu cử trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng với những người trực tiếp tranh cử, nên cho họ nói chuyện trực tiếp để cử tri dễ nhận ra người có năng lực. Ý kiến về việc này của ông thế nào?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Hiện ở Việt Nam chưa có cơ chế này. Tôi cho rằng, đối thoại trực tiếp sẽ giúp mỗi người tự chứng minh năng lực của mình. Điều này sẽ giúp xóa bỏ tâm lý của cử tri chọn người cũ cho yên tâm vì chưa biết người mới thế nào.
Ngoài ra, giới truyền thông cần vào cuộc để tạo ra sự thúc đẩy càng nhiều nhân tố mới càng tốt.
- Trong danh sách ứng cử lần này, có nhiều đại biểu là giới văn nghệ sỹ. Ông có ủng hộ họ hay không?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đây là điều đáng mừng. Còn nhớ trong kỳ họp đầu tiên tôi tham gia là Quốc hội khóa XI, có nhiều anh chị văn nghệ sỹ tham gia ứng cử, trong đó có Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia, Chủ tịch Hội nghệ sĩ tạo hình… Tuy nhiên, hai nhiệm kỳ gần đây không có và đây là sự hụt hẫng.
Ngay cả nơi tôi đang làm Ủy viên là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có sự hụt hẫng vì những đại biểu thuộc ngành giáo dục còn thiếu. Dù phẩm chất của một đại biểu quốc hội là cần mở rộng ở nhiều lĩnh vực, song sự có mặt của những người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là đúng đắn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cuối cùng là người đó có năng lực làm đại biểu quốc hội chứ không phải năng lực thuần túy chuyên môn của mình...
- Xin cảm ơn ông!