Thủy sản là một trong những ngành hàng đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó thị trường EU mỗi năm nhập của Việt Nam từ 300-400 triệu USD.
Tuy nhiên, ngày 23/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức rút "thẻ vàng" với hải sản của Việt Nam, động thái dự báo sẽ tác động lớn đến ngành này trong thời gian tới.
Nhằm hiểu rõ hơn những quy định của EU trong lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Bá Thông, chuyên gia tư vấn cho Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) về lĩnh vực thủy sản đã trao đổi với VietnamPlus để có cách nhìn khách quan về vụ việc trên cũng như đưa ra khuyến nghị giúp cho ngành thủy sản của Việt Nam phát triển bền vững.
[EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam]
- Thời gian qua, việc hải sản Việt Nam bị EU áp thẻ vàng cảnh báo về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) đã gây xôn xao dư luận. Vậy theo ảnh tác động của việc này đối với ngành thủy sản Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Bá Thông: Hiệp hội thủy sản (VASEP) và Tổng cục Thủy sản đã có nhiều thông báo về vấn đề này. Cá nhân tôi thấy rằng, tác hại thứ nhất là uy tín của hàng Việt Nam xuất sang EU và có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác.
Thứ hai là thủ tục và chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu sang EU cũng sẽ nhiều lên. Chưa kể thời gian lưu kho lâu hơn và khả năng trả lại hàng cũng lớn hơn, tác động đến uy tín thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thủy sản của Việt Nam.
- Thực ra, IUU đã được EU khởi động từ năm 2010, tức là đã 7 năm. Tại sao trong 7 năm như vậy, Việt Nam không chuẩn bị kịp hay còn nguyên nhân vì sao mà ta vẫn bị ép thẻ vàng như vậy?
Ông Nguyễn Bá Thông: Nguyên nhân khiến EU áp thẻ vàng cảnh báo IUU với Việt Nam là họ mong muốn các nước xuất khẩu thủy sản sang EU có nghề cá bền vững và có trách nhiệm hơn.
Để làm được điều này, họ yêu cầu các nước xuất khẩu hải sản vào EU phải làm nhiều việc, từ thể chế pháp lý, hoạt động thanh tra, kiểm tra, theo dõi tàu cá, hay sản lượng khai thác cũng như truy xuất nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản rõ ràng, minh bạch.
Họ cũng yêu việc quản lý nghề cá phải dựa vào các cơ sở khoa học, tức là phải xác định được nguồn lợi là bao nhiêu, khai thác bao nhiêu để có số lượng tàu thuyền hoặc cường lực khai thác phù hợp và kèm theo các khuyến nghị về trách nhiệm khai thác liên quan đến môi trường và xã hội.
Các yêu cầu của EU là khá nhiều và để giải quyết được vấn đề đó, chúng ta cần nhiều nguồn lực và thời gian. Trong khi đó nghề cá của ta hiện nay có quy mô nhỏ, số lượng tàu thì chưa nhiều, trình độ khai thác lạc hậu, chưa kể nhận thức của ngư dân và doanh nghiệp còn chưa tốt.
Cho nên, theo tôi cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến cả ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
- Theo như ông chia sẻ thì Việt Nam đã có 7 năm chuẩn bị nhưng chưa đủ. Trong khi đó, EU chỉ cho Việt Nam 6 tháng để giải quyết thẻ vàng, vậy trong 6 tháng đó, liệu chúng ta có giải quyết được những yêu cầu mà họ đưa ra không?
Ông Nguyễn Bá Thông: Hiện EU đã đưa ra 5 nhóm yêu cầu. Cụ thể là phải hoàn thiện khung pháp lý, thể chế cho việc quản lý đội tàu và hoạt động khai thác thủy sản, xác định mức cường lực khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi.
Tiếp đó là phải hoàn thiện hệ thông thanh, kiểm tra, giám sát tàu cá, bao gồm cả việc lắp đặt thiết bị định vị tàu cá (VMS), rồi sản lượng khai thác trên biển và tại cảng cá.
Bên cạnh đó họ cũng yêu cầu chúng ta thực hiện việc truy xuất, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, hạn chế và chấm dứt hiện tượng một số ít tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
- Với 5 yêu cầu đó mà thực hiện trong 6 tháng, vậy làm sao có thể giải quyết được, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Thông: Có thể thấy, 5 yêu cầu đó là lớn và 6 tháng khó có thể đủ thời gian để khắc phục được tất cả các yêu cầu, khuyến nghị mà EU đặt ra.
Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước đã nắm rõ các yêu cầu và chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách, thể chế để từng bước nâng cao năng lực đáp ứng.
Cụ thể, dự thảo Luật Thủy sản dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu về thể chế chính sách, khung pháp lý cho việc quản lý ngành mà hài hòa với quy định của EU cũng như một số quy định và công ước quốc tế khác.
Khung pháp lý đã được đảm bảo, giải pháp tiếp theo là cần nhanh chóng khảo sát, nghiên cứu và lắp đặt cho hệ thống định vị tàu cá (thiết bị VMS) có chi phí phải chăng, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân và đáp ứng nhu cầu cho nhà quản lý chuyên ngành.
Đồng thời, nâng cao nhận thức cho ngư dân, doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng thuỷ sản cũng như đối tác Công - Tư (PPP) trong việc cải thiện nghề cá.
Những giải pháp này không nhất thiết phải làm cho tất cả các tàu cá mà trước mắt nên ưu tiên cho các đội tàu khai thác hải sản xuất khẩu để có thể tập trung và có được hiệu quả tốt nhất, đảm bảo tính khả thi về thời gian và nguồn lực cần thiết.
- Với những gì mà chúng ta đang làm, ông có tự tin sau 6 tháng nữa, thủy sản Việt Nam sẽ thoát được "thẻ vàng" của EU không?
Ông Nguyễn Bá Thông: Trong 6 tháng tới, để không bị áp từ thẻ vàng sang thẻ đỏ, quan trọng là mức độ cải thiện của Việt Nam đối với 5 nhóm kiến nghị của EU cũng như mức độ cam kết của Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân về việc giải quyết vấn đề này như thế nào.
Có thể có những vấn đề ta chưa khắc phục được ngay lập tức nhưng phải cho họ thấy rằng, ta đang làm và làm một cách tích cực. Còn nếu không làm gì cả thì không chỉ không gỡ được thẻ vàng mà còn có thể bị áp thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc hải sản Việt Nam bị “cấm cửa” tại EU.
Tuy nhiên, thời hạn mà EU đưa ra là rất ngắn, áp lực rất cao, chúng ta cần phải tích cực, nỗ lực cải thiện tối đa hiện trạng nghề cá nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của EU.
- Với các thị trường khác, việc thẻ vàng của EU có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Thông: Việc EU cảnh báo thẻ vàng với Việt Nam ở thời điểm này là khó khăn, nhưng cũng là động lực thúc đẩy ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Hoa Kỳ, quốc gia nhập khẩu hải sản lớn của Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu vào Hoa Kỳ (SIMP) vào 1/1/2018 tới.
Ngoài điểm tương đồng là cùng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chương trình của Mỹ còn khó khăn hơn bởi họ yêu cầu áp dụng cho cả thủy hải sản nuôi trồng và khai thác.
Hiện dự án EU - MUTRAP cũng đã đề xuất kế hoạch, lộ trình hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề IUU như xây dựng các báo cáo kỹ thuật, xây dựng lộ trình thanh tra kiểm tra hoạt động kiểm soát tàu cá… để góp phần hỗ trợ Việt Nam hướng đến nghề cá bền vững.
Kết quả của dự án sẽ được ấn bản, gửi cho các cơ quan, ban ngành liên quan cũng như báo cáo cho nhà tài trợ.
- Xin cảm ơn ông./.