Cần Thơ xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang Australia và Hoa Kỳ

Lô hàng xuất khẩu lần này gồm 1 tấn xoài tượng da xanh sang Australia và 1 tấn xoài tượng da xanh sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không, đơn vị cung cấp là HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ.

Đại diện chính quyền và doanh nghiệp đưa lô xoài tượng da xanh đầu tiên của Cần Thơ xuất khẩu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Đại diện chính quyền và doanh nghiệp đưa lô xoài tượng da xanh đầu tiên của Cần Thơ xuất khẩu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Sáng 18/6, tại huyện Cờ Đỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang thị trường Australia và Hoa Kỳ.

Lô xoài tượng da xanh 2 tấn được xuất khẩu trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã nông nghiệp Lộc Hưng, huyện Cờ Đỏ và Công ty Vina T&T; trong đó, một tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất sang thị trường Australia và một tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất sang thị trường Hoa Kỳ.

Thành phố Cần Thơ hiện có 3.376ha diện tích trồng xoài (chiếm 13% trong tổng số diện tích trồng cây ăn quả), sản lượng cung cấp hàng năm gần 17.500 tấn quả.

Nông dân trồng chủ yếu các giống xoài tượng da xanh chiếm 47% (1.587ha); xoài cát Hòa Lộc chiếm 30% (1.013ha) và các giống khác chiếm 23%.

Cờ Đỏ là huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất thành phố với trên 2.100 ha. Riêng xã Thới Hưng có diện tích xoài lớn nhất huyện với 1.978ha; trong đó, có 21ha xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ, thời gian qua khâu tiêu thụ quả xoài của bà con vẫn còn bấp bênh, không ổn định, có thời điểm đầu và cuối vụ giá cao, vào chính vụ giá xoài tượng da xanh nhiều lúc xuống rất thấp do chủ yếu bà con tiêu thụ nội địa là chính và bị cạnh tranh với nhiều mặt hàng trái cây khác cùng thời vụ gây ra tình trạng “mất giá.”

Vì thế, ông Lê Chí Phương nhận định lô xoài tượng da xanh xuất khẩu đầu tiên là bước khởi điểm tạo động lực cho người nông dân trồng xoài tích cực học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, những quy định mới của thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường, góp phần gia tăng giá trị trái xoài Cờ Đỏ, đồng thời giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.

Thời gian tới, huyện Cờ Đỏ mong muốn tiếp cận được các chính sách, các chương trình hỗ trợ cho nông dân trong khâu liên kết tiêu thụ, những quy định, kỹ thuật mới, chương trình hay từ phía cơ quan trung ương và thành phố Cần Thơ giúp cho nông dân Cờ Đỏ ngày càng phát triển và đưa nhiều hơn sản phẩm nông sản Cờ Đỏ xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.

can_tho_xuat_khau_lo_xoai_tuong_da_xanh_dau_tien_sang_australia_va_hoa_ky2.jpg
Những quả xoài tượng da xanh đầu tiên của Cần Thơ xuất khẩu sang Australia và Hoa Kỳ. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Để chuỗi giá trị xoài phát triển bền vững và ngày càng có nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị ngành nông nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc phát triển sản xuất theo vùng tập trung, phát triển liên kết hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; tăng cường hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật mà ngành chuyên môn đưa ra, sử dụng hóa chất vật tư nông nghiệp đúng quy định nhằm tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm và chất lượng cao.

Các hợp tác xã cần liên kết nông dân theo vùng để tạo diện tích lớn trên 10 ha/vùng để được cấp mã số vùng trồng, tạo vùng nguyên liệu đủ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về quản lý dịch hại và ghi chép nhật ký sản xuất, nhật ký liên kết đầy đủ, cập nhật thường xuyên để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Đối với các doanh nghiệp liên kết hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện các yêu cầu khi tham gia liên kết phục vụ từng thị trường xuất khẩu.

Tổ chức các cuộc họp dân, thảo luận về kế hoạch, giá cả, thời điểm thu mua sản phẩm… để nông dân chủ động sản xuất, thu hoạch đúng yêu cầu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thời gian qua, Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường cho hoa quả tươi Việt Nam xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam có gần 7.000 mã số vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu các loại quả tươi sang 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia...

Theo ông Lê Văn Thiệt, Việt Nam là nước nhiệt đới nên có lợi thế đối với phát triển cây ăn quả nhiệt đới.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều loại quả ngon, chất lượng như bưởi, chôm chôm, xoài... Xoài được trồng khắp cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở Bình Định trở vào và hầu khắp các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp...

Số liệu của Cục Trồng trọt năm 2021, diện tích xoài của cả nước khoảng 115.000 ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

can_tho_xuat_khau_lo_xoai_tuong_da_xanh_dau_tien_sang_australia_va_hoa_ky3.jpg
Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ chăm sóc xoài tượng da xanh. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất xoài đứng thứ 13 trên thế giới. Ưu thế của quả xoài Việt Nam là thu hoạch quanh năm, mùa vụ chính từ tháng Ba đến tháng Bảy nhưng cũng có thể làm nghịch vụ từ tháng Tám đến tháng Hai năm sau.

Việt Nam xuất khẩu xoài lần đầu tiên vào năm 2019 sang thị trường Hoa Kỳ. Đối với thị trường Australia, Việt Nam nộp hồ sơ năm 2011 và đến năm 2017, Australia chấp thuận cho quả xoài Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này.

Hiện nay, các thủ tục mở cửa thị trường cho quả xoài xuất khẩu vào thị trường Australia và Hoa Kỳ đã hoàn thành. Từ đó đến nay, xuất khẩu quả tươi, cũng như xoài sang các thị trường khó tính càng ngày càng thuận lợi.

Việt Nam đang tiếp tục xuất khẩu quả xoài và các loại quả khác sang hai thị trường này. Điều đó, đem lại uy tín của nông sản Việt Nam và gia tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.