Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 112 vụ vi phạm đê điều nhưng chỉ xử lý được 11 vụ, còn tồn đọng 101 vụ.
Tình trạng vi phạm đê điều xảy ra ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng một phần do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ của các Hạt quản lý đê điều còn mang tính hình thức, chưa có các giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Chỉ tính riêng tháng Bảy, thành phố đã phát sinh thêm 20 vụ vi phạm Luật Đê điều ở 11 quận, huyện với quy mô khá nghiêm trọng. Cụ thể, có tám vụ đào móng nhà, xây dựng nhà cấp 4, công trình phụ, tường chắn, trụ cổng trong phạm vi bảo vệ đê; một vụ chứa chất thải lên phạm vi bảo vệ đê; hai vụ đào xẻ đê, xây dốc và chín vi phạm khác.
Các vụ vi phạm đã được Hạt Quản lý đê lập biên bản vi phạm và ra quyết định tạm đình chỉ gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý nhưng chỉ có hai vụ được xử lý.
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là công tác quản lý trật tự xây dựng ở các xã, phường, quận, huyện ven đê; tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đê điều.
Trước mắt, các địa phương cần rà soát, phân loại những vi phạm cũ, vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều để xử lý dứt điểm. Đối với những vi phạm dựng lều lán, mái che, mái vẩy, chính quyền địa phương cần chủ động giải tỏa khi mới phát sinh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thành công tác cắm mốc giới để phân định rõ ranh giới giữa hành lang đê, hành lang thoát lũ với khu dân cư và các công trình khác, đồng thời, thực hiện các giải pháp công trình, ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án phục vụ công tác quản lý đê như xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê; nâng cấp, gia cố, tăng tải trọng thiết kế mặt đê; xây dựng mố hạn chế xe quá tải trọng đi trên đê./.