Canada phản ứng khi Trung Quốc ngừng cấp phép nhập khẩu hạt cải dầu

Ngày 1/3 vừa qua, Trung Quốc đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của công ty Richardson sang thị trường Trung Quốc, song không nêu rõ lý do.
Canada phản ứng khi Trung Quốc ngừng cấp phép nhập khẩu hạt cải dầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNBC)

Ngày 5/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã bày tỏ quan ngại về động thái của Trung Quốc ngăn chặn công ty Richardson International Ltd của Canada xuất khẩu hạt cải dầu sang thị trường nước này.

Ngoại trưởng Freeland nêu rõ: "Tình hình của công ty Richardson khiến tôi quan ngại sâu sắc. Chúng tôi tin rằng không có cơ sở khoa học nào cho quyết định trên."

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau cho biết Chính phủ Canada đang theo dõi sát tình hình và sẽ làm việc với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể.

Ngày 1/3 vừa qua, Trung Quốc đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của công ty Richardson sang thị trường Trung Quốc, song không nêu rõ lý do. Đến nay, Cơ quan Hải quan Trung Quốc vẫn chưa đưa ra câu trả lời về vụ việc.

Hoạt động xuất khẩu hạt cải dầu của Richardson sang Trung Quốc nếu bị ngừng trệ trong thời gian dài không chỉ đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế Canada.

[Căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục leo thang]

Richardson là một trong những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu thế giới. Những loại hạt có dầu, hoa quả và ngũ cốc chiếm gần 17% kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc. Mỗi năm, Trung Quốc mua khoảng 2,5 tỷ CAD (1,88 tỷ USD) hạt cải dầu của Canada.

Quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị giới chức Canada bắt giữ tại Vancouver ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.

Sau đó, Bắc Kinh đã bắt giữ và điều tra hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor  với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.