Canada sẵn sàng thảo luận về các yêu sách của Mỹ liên quan NAFTA

Canada sẵn sàng thảo luận về những yêu sách cứng rắn nhất của Mỹ tại vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra ở thành phố Montreal, tỉnh Quebec của Canada.
Canada sẵn sàng thảo luận về các yêu sách của Mỹ liên quan NAFTA ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario, Canada ngày 27/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Canada sẵn sàng thảo luận về những yêu sách cứng rắn nhất của Mỹ tại vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra ở thành phố Montreal, tỉnh Quebec của Canada.

Đây là tuyên bố của Trưởng đoàn đàm phán NAFTA Canada Steve Verheul ngay sau ngày đàm phán đầu tiên.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời ông Verheul nêu rõ Canada sẵn sàng khai thông bế tắc bằng việc đàm phán về mọi yêu cầu của Mỹ, tất nhiên với điều kiện Mỹ cũng muốn thỏa hiệp.

Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi mang đến Montreal rất nhiều ý tưởng mới và chiến lược sáng tạo nhằm thu hẹp khoảng cách trong đàm phán. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong tuần này, nhưng điều đó dĩ nhiên cũng sẽ phụ thuộc vào các đối tác khác.”

Khi được hỏi liệu Mỹ có cởi mở khi đàm phán về những đề xuất gây tranh cãi nhất, ông Verheul cho biết hiện Canada chưa nhận được tín hiệu từ phía Mỹ nhưng ông vẫn hy vọng Washington sẽ hưởng ứng tinh thần linh hoạt mà Canada sẽ mang đến vòng đàm phán lần này.

Cùng ngày, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross​ bày tỏ tin tưởng đàm phán NAFTA sẽ đạt được kết quả do các bên đều mong muốn một cuộc thương lượng thành công đối với thỏa thuận quan trọng này.

Tuy nhiên, ông Ross cũng khẳng định những điều Washington có thể chấp nhận sẽ rất hạn chế. Cũng phát biểu bên lề WEF, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Gonzalez Anaya nhấn mạnh Mexico đang thúc đẩy cho một thỏa thuận tốt, nêu rõ thương mại mang lại lợi ích cho cả 3 nước và đó là điều Mexico đang kỳ vọng.

Vòng 6 tái đàm phán NAFTA đang diễn ra tại thành phố Montreal của Canada với rất nhiều rào cản phía trước.

Phía Mỹ vẫn khăng khăng giữ các yêu sách trong một số lĩnh vực then chốt như nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành sản xuất ôtô, mở rộng quyền tiếp cận với các hợp đồng mua sắm chính phủ, loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA và xác lập thời hạn đánh giá lại hiệp định sau mỗi 5 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump​ thậm chí còn đe doạ sẽ khởi động tiến trình rút khỏi NAFTA nếu không đạt được những nhượng bộ cần thiết từ Canada và Mexico.

Trước khi vòng đàm phán này khai mạc, cả Canada và Mexico đều tuyên bố sẽ đưa ra những đề xuất linh hoạt về quy tắc xuất xứ sản phẩm và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trong Chương 11.

Bên cạnh đó, hai nước cũng đã chuẩn bị phương án dự phòng cho việc Mỹ rút khỏi NAFTA, cho dù đây không phải là kịch bản mà họ mong muốn.

[Hy vọng về những bước tiến mới trong vòng 6 tái đàm phán NAFTA]

Trong ngày thảo luận thứ 2 của vòng 6 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra tại thành phố Montreal, nước chủ nhà Canada đã đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô con và xe tải ở Bắc Mỹ nhằm rút ngắn khoảng cách với phía Mỹ và đạt được thỏa thuận về một trong những nội dung gai góc nhất của hiệp định 24 năm tuổi này.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn hai nguồn tin từ hội nghị cho biết phái đoàn Canada đã đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ nội địa hoá nhằm đạt được thoả hiệp với Mỹ về một trong những nội dung gây tranh cãi nhất tại vòng đàm phàn lần này.

Theo đó, Canada không đưa ra tỷ lệ nội địa hóa cụ thể mà nhấn mạnh đến việc thay dổi cách thức tính toán, đưa thêm vào cả nội dung về công nghệ cao và phát triển phần mềm.

Theo chính quyền Ottawa, cách thức tính hiện tại không bao gồm những thành phần tự động hóa công nghệ cao, vốn được phát triển sau khi NAFTA được ký kết năm 1994.

Canada đề xuất ý tưởng trên trong ngày đàm phán thứ hai, nhưng là ngày đầu tiên trong 3 ngày thảo luận về chủ đề “quy tắc xuất xứ” sản phẩm.

Canada hy vọng với việc đưa ra ý tưởng về cách tính mới, phía Mỹ cũng sẽ thay đổi yêu sách trước đó về việc nâng tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô Bắc Mỹ từ 62,5% lên 85%, trong đó có ít nhất 50% tỷ lệ nội địa của Mỹ.

Quy tắc xuất xứ là một trong 7 nội dung chính được các đại biểu Mỹ, Canada và Mexico tiến hành thảo luận trong ngày đàm phán thứ 2.

Những nội dung còn lại gồm môi trường, viễn thông, hàng hóa, rào cản kỹ thuật trong thương mại, sở hữu trí tuệ và kiểm dịch động thực vật.

Các nhà đàm phán Mexico và Canada cho biết nhiều khả năng các bên sẽ hoàn tất nội dung về kiểm dịch động thực vật tại vòng đàm phán lần này.

Vòng 6 tái đàm phán NAFTA diễn ra từ ngày 23-29/1 với khoảng 200 đại biểu của Canada và 250 đại biểu cho mỗi đoàn Mỹ và Mexico. Khoảng 160 phóng viên từ nhiều nước đã đăng ký đưa tin tại hội nghị.

NAFTA hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.