Canada cùng với lãnh đạo 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký vào thỏa thuận cuối cùng tại Auckland vào ngày 4/2 tới.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Chrystia Freeland trong một bức thư ngỏ vào sáng 26/1.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn tuyên bố của bà Chrystia cho biết các văn bản liên quan đã được đệ trình lên Quốc hội Canada để các nghị sỹ xem xét trước khi Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng.
Bà Chrystia nhấn mạnh: "Nhiều người Canada không hiểu hết ý nghĩa của việc ký kết TPP và vẫn còn đưa ra nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, việc ký kết vào tuần tới là rất quan trọng nhằm khẳng định Canada là một đối tác đầy đủ, tiềm năng trong Hiệp định này."
Theo bà Chrystia, đây chỉ là bước kỹ thuật trong toàn bộ quy trình, đánh dấu sự kết thúc của quá trình đàm phán TPP. Sau lễ ký, 12 nước tham gia bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình hợp thức hoá trong nước và mất 2 năm để thoả thuận có hiệu lực.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010 và hoàn tất vào tháng 10/2015. Nếu được hình thành, Hiệp định này sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. TPP sẽ hạ thấp hàng rào thuế quan ở các nước thành viên, đồng thời tạo ra các tiêu chuẩn chung cho các vấn đề như quyền lợi công nhân, bảo vệ môi trường. Theo thỏa thuận, khoảng 18.000 chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan.
|
Đối với Canada, xuất khẩu thịt bò là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Năm 2015, xuất khẩu thịt bò của Canada đạt xấp xỉ 2 tỷ USD với gần 80 thị trường toàn cầu, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam ước đạt 25 triệu USD và Nhật Bản 100 triệu USD. Thịt bò Canada vào trị trường Nhật Bản đang phải chịu mức thuế cao tới 38,5% và vào Việt Nam là 34%.
Vì vậy, việc ký kết TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành công nghiệp bò thịt của Canada do sẽ giúp hạ thấp mức thuế nhập khẩu thịt bò vào các thị trường thành viên trong vòng 15 năm. Khi TPP chính thức có hiệu lực, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ 38,5% xuống 9%; Việt Nam sẽ xóa bỏ trong vòng 3-8 năm./.