Trong cuộc điều trần ngày 20/5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel trước Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về ngân sách hoạt động và viện trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho khu vực trong tài khóa 2015, các nghị sỹ Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cùng với các vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc như an ninh mạng, chủ đề Biển Đông đã chiếm phần lớn thời lượng cuộc điều trần kéo dài gần một tiếng rưỡi.
Các nghị sỹ cũng như Trợ lý Ngoại trưởng Russel đều cho rằng hành động đơn phương gây căng thẳng qua việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại Biển Đông và sử dụng nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu của Hải quân, hộ tống đã và đang đe dọa tới hòa bình và an ninh cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc điều trần, ông Russel khẳng định các diễn biến ở Biển Đông hiện nay là những hành động của Trung Quốc nhằm “giành giật chủ quyền một cách phi pháp và việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là hành động nhằm quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền.”
Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương Steve Chabot cho rằng các hành động nói trên của Trung Quốc chính là “một trong những thách thức đối với mục tiêu mà Mỹ đặt ra ở khu vực” khi thực hiện chiến lược tái cân bằng.
Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Ami Bera, thành viên cao cấp của tiểu ban, cho rằng nếu Chính phủ Mỹ không hành động trong tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ lấn tới trong tương lai.
Hạ nghị sỹ Bera đặt câu hỏi đối với Trợ lý Ngoại trưởng Russel: “Nếu Mỹ khoanh tay đứng nhìn, Trung Quốc sẽ gây chuyện tương tự với Nhật Bản và Philippines. Vậy Chính phủ Mỹ có hành động gì để can thiệp, bảo vệ các đồng minh, đối tác cũng như đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực?”
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết vấn đề trên đã được chính quyền của Tổng thống Barack Obama “thẳng thắn nêu ra với phía Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao và Mỹ cũng đã không giấu diếm khi hối thúc Trung Quốc không nên dùng vũ lực.”
Ông Russel cũng khẳng định cách giải quyết tốt nhất cho Mỹ, cho Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc lúc này là thông qua các biện pháp ngoại giao, đối thoại với tinh thần xây dựng, giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Đáp lại, Hạ nghị sỹ Bera cho rằng chỉ bằng những tuyên bố trong trường hợp này là không đủ, và đặt câu hỏi “Liệu có những hành động thực tế từ chính quyền Obama để đảm bảo Trung Quốc phải thay đổi hay không?”
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho rằng chuyến thăm mới đây của Tổng thống Obama tới bốn nước châu Á chính là sự khẳng định rõ nhất, không chỉ qua lời nói mà trên thực tế rằng Mỹ cam kết gắn bó với hòa bình ở khu vực, ủng hộ cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.
Theo đề xuất của Nhà Trắng, ngân sách hoạt động dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm tài chính 2015 là 1,2 tỷ USD, tương đương với ngân sách năm 2014, nhưng riêng các khoản viện trợ sẽ tăng 9%, từ 741,1 triệu USD lên 810,7 triệu USD.
Khoản viện trợ tăng cường năng lực hải quân của Philippines tăng 57% so với năm ngoái, lên 40 triệu USD. Cũng trong khoản viện trợ này, có 18 triệu USD được đề nghị dành cho việc hợp tác và hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Từ ngày 1/5, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, khiến dư luận Việt Nam hết sức phẫn nộ và gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông, cho rằng đây là một hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn định khu vực.
Trong khi đó, nhiều nghị sỹ Mỹ ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời hối thúc thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với tự do giao thông hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình./.