Căng thẳng giữa Anh và Pháp liên quan vấn đề quyền đánh cá

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết Pháp có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt như tăng cường kiểm tra hải quan và cấm các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Anh cập cảng Pháp.
Căng thẳng giữa Anh và Pháp liên quan vấn đề quyền đánh cá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Inspirelle.com)

Người phát ngôn chính phủ Anh tối 27/10 ra tuyên bố bày tỏ thất vọng sau khi Pháp đe dọa thực hiện các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề quyền đánh bắt cá hậu Brexit.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh nhấn mạnh: "Những đe dọa của Pháp là đáng thất vọng, không thỏa đáng, và không phải là những gì chúng tôi kỳ vọng ở một đồng minh và đối tác gần gũi.”

Theo người phát ngôn này, những biện pháp mà Pháp đe dọa "không phù hợp với Hiệp định thương mại và hợp tác (TCA) cũng như luật pháp quốc tế nói chung," đồng thời cảnh báo Anh "sẽ đáp trả thích hợp" nếu Pháp thực thi các biện pháp trên. Ngoài ra, phía Anh sẽ chuyển những quan ngại về vấn đề này tới Ủy ban châu Âu (EC) và Chính phủ Pháp.       

Trước đó, Pháp công bố một loạt biện pháp trừng phạt mà nước này có thể áp dụng từ ngày 2/11 tới nếu không đạt được tiến bộ trong tranh cãi với Anh về vấn đề quyền đánh cá hậu Brexit.

Theo người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal, phía Pháp mới chỉ cấp phép một nửa số giấy phép cần cấp cho các tàu cá nước này hoạt động tại vùng biển của Anh theo hạn ngạch trong thỏa thuận về đánh bắt cá mà London đã ký với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12/2020.

Ông Attal cho biết Pháp có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt như tăng cường kiểm tra hải quan và cấm các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Anh cập cảng Pháp.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp, Clement Beaune, cho rằng các biện pháp hạn chế có thể được tăng cường theo thời gian. Nếu những biện pháp nêu trên không đem lại hiệu quả, Pháp có thể cân nhắc các biện pháp khác, trong đó có việc giảm cung cấp điện cho Anh.

[Pháp cảnh báo sẽ trả đũa Anh nếu không thực thi thỏa thuận đánh bắt cá]

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt tranh cãi giữa Pháp và Anh khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó...

Tuy nhiên, Pháp và Anh không đạt được nhất trí về vấn đề này. Tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo Eo biển Manche 9,6-19 km), Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp yêu cầu cấp 244 giấy phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.