Căng thẳng leo thang tại Trung Đông khiến giá dầu châu Á tăng hơn 1%

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 81 cent (1,3%) lên 62,74 USD/thùng vào lúc 13 giờ 41 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm tới 2,7% và hiện đang hướng tới mức giảm chung trên cả tuần là gần 6%.
Căng thẳng leo thang tại Trung Đông khiến giá dầu châu Á tăng hơn 1% ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Baku, Azerbaijan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng hơn 1% trong phiên chiều 19/7 giữa bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang.

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 81 cent (1,3%) lên 62,74 USD/thùng vào lúc 13 giờ 41 phút (theo giờ Việt Nam).

Trước đó trong phiên ngày thứ Năm (18/7), giá dầu Brent đã giảm tới 2,7% và hiện đang hướng tới mức giảm chung trên cả tuần là gần 6%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này cũng tiến 59 cent (1,1%) lên 55,89 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức giảm 2,6% trong phiên trước đó. Kể từ đầu tuần tới nay, giá dầu WTI đã giảm hơn 6%.

[Dầu thô tăng giá sau khi Iran bắt giữ một tàu buôn lậu nhiên liệu]

Nhà quản lý cấp cao Stephen Innes tại công ty môi giới đầu tư và nghiên cứu thị trường Vanguard Markets cho biết thị trường năng lượng đã phần nào được hỗ trợ bởi các chỉ dấu về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc Mỹ cho biết đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran ở Eo biển Hormuz, qua đó khiến tình hình tại Trung Đông “nóng” lên cũng tạo đà cho giá dầu khởi sắc giữa bối cảnh thị trường đang khá trầm lắng.

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn cho giá dầu tăng cao hơn không mấy lạc quan.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 từ 1,2 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, do kinh tế toàn cầu tăng chậm lại trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết. Thậm chí, IEA cho biết có thể cắt giảm sâu hơn nữa dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới nếu kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, tiếp tục giảm tốc.

Ngoài ra, IEA cũng đề cập tới kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài khối, trong đó có Nga.

Theo IEA, kế hoạch trên có thể giúp giảm bớt lượng dầu dự trữ của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm sản lượng cần được kéo dài đến hết năm 2020 để giúp duy trì sự cân bằng cho thị trường dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.