Căng thẳng Mỹ-Iran gây nguy cơ xấu cho các nền kinh tế vùng Vịnh

Các nền kinh tế vùng Vịnh, vốn trong tình trạng căng thẳng nhiều năm qua do giá dầu thấp, lại phải đối mặt với "con dao hai lưỡi" khi nguy cơ cuộc xung đột Mỹ-Iran đe dọa hoạt động xuất khẩu dầu.
Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nhà phân tích, nếu cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) ngày 3/1 khiến Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng dẫn đến xung đột giữa Washington và Tehran, các cơ sở dầu mỏ có thể trở thành mục tiêu tấn công tại các quốc gia vùng Vịnh, vốn cũng là vị trí của các căn cứ quân sự Mỹ, trong đó bao gồm cả trụ sở của Hạm đội 5 của Mỹ tại Bahrain.

Các nhà quan sát cho rằng một cuộc xung đột như vậy có thể đẩy giá dầu lên trên ngưỡng 100 USD/thùng, song cũng có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn về xuất khẩu nếu Iran đóng eo biển Hormuz, tuyến đường thủy chiến lược đóng vai trò như "động mạch chính" với nguồn cung dầu của Trung Đông.

[Moody’s: Xung đột Mỹ-Iran kéo dài có thể gây cú sốc về kinh tế]

Ông M R Raghu, người đứng đầu nghiên cứu tại Trung tâm tài chính Kuwait cho rằng: "Với việc Iran thề sẽ trả đũa, nguy cơ các cơ sở dầu mỏ và nhiều mục tiêu khác bị tấn công là rất cao tại các quốc gia vùng Vịnh.

Tuy nhiên, giá dầu cao có thể không đạt doanh thu cao hơn do 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz, vị trí Iran từng đe dọa chặn hồi tháng 9 năm ngoái."

Một sự gián đoạn mới dẫn đến sản lượng và xuất khẩu thấp hơn, và hậu quả là doanh thu thấp hơn, có thể làm tê liệt các nền kinh tế khu vực vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.

Vụ giá dầu lao dốc thảm hại hồi giữa năm 2014 đã khiến các nền kinh tế vùng Vịnh thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong đó Saudi Arabia là nước thiệt hại lớn nhất.

Kể từ đó, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất OPEC này đã rơi vào tình trạng vay mượn và thâm hụt ngân sách triền miên, tăng trưởng kinh tế yếu và các nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm sút mạnh.

Tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực vùng Vịnh trong năm 2019 xuống chỉ còn 0,7%, giảm mạnh từ 2% đưa ra trước đó.

Thu nhập từ dầu và khí đốt chiếm ít nhất 70% doanh thu công cho các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Nhà kinh tế học Fadhl al-Bouenain của Saudi Arabia cho rằng một cuộc chiến tranh Mỹ-Iran, nếu xảy ra, sẽ càng đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước GCC vào tình trạng ảm đạm hơn.

Theo ông Bouenain, bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với khả năng xuất khẩu dầu của các nước vùng Vịnh sẽ dẫn đến tình trạng sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế... Điều này sẽ không thể bù đắp được dù giá dầu cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.