Căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu châu Á

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 13 giờ 50 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 11/2019 được giao dịch ở mức 64,77 USD/thùng, tăng 37 xu Mỹ.
Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ, ngày 12/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ, ngày 12/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi lên trong phiên ngày 20/9, hướng đến mức tăng hơn 7% trong tuần này, mức tăng lớn nhất tính theo tuần trong nhiều tháng qua giữa bối cảnh tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông gia tăng sau khi trung tâm cung ứng “vàng đen” chủ chốt của Saudi Arabia bị tấn công hồi cuối tuần trước.

Một liên minh do Saudi Arabia dẫn dắt đã triển khai hoạt động quân sự tại thành phố cảng Hodeidah phía bắc Yemen trong bối cảnh Mỹ đã “bắt tay” với các quốc gia châu Âu và Trung Đông nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran sau vụ tấn công các cơ sở dầu của Saudi Arabia vừa qua.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 13 giờ 50 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 11/2019 được giao dịch ở mức 64,77 USD/thùng, tăng 37 xu Mỹ. Loại dầu này dự kiến tăng khoảng 7,7% trong tuần này, mức tăng nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 1/2019.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 55 xu Mỹ lên 58,68 USD/thùng, hướng đến mức tăng 7,1% trong tuần này, mức tháng nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 6/2019.

[Giá dầu giảm mạnh sau thông tin Saudi Arabia sớm khôi phục sản lượng]

Sản lượng dầu của Saudi Arabia giảm gần 50% do vụ tấn công hôm 14/9 đã làm tê liệt hoạt động của cơ sở sản xuất dầu lớn của nước này.

Tuy vậy, Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã cam kết sẽ khôi phục lại sản lượng bị mất vào cuối tháng Chín này, và đưa công suất sản xuất về mức 12 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 11/2019.

Mỹ và Saudi Arabia cho rằng Iran đã đứng sau vụ tấn công các cơ sở dầu của Riyadh. Song phía Tehran phủ nhận mọi sự liên quan đến vụ tấn công này.

Trong khi đó tại Mỹ, ảnh hưởng từ cơn bão nhiệt đới Imelda đã khiến một nhà máy lọc dầu phải giảm sản lượng, trong khi tuyến đường ống dẫn dầu chính, các cảng và kênh vận chuyển tại Texas phải ngừng hoạt động./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.