Ngày 10/5, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đang triển khai một tàu tấn công đổ bộ cùng một bệ phóng tên lửa Patriot tới Trung Đông, nhằm tăng cường sức mạnh cho Nhóm Tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đối phó với điều mà Mỹ gọi là những mối đe dọa từ Iran.
Tàu đổ bộ USS Arlington và hệ thống phòng không Patriot sẽ tham gia vào Nhóm Tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và đội máy bay ném bom B-52 được cử tới vùng Vịnh trong bối cảnh có nhiều tin tình báo cho thấy Iran đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công trong khu vực.
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết hoạt động triển khai nói trên “nhằm đối phó với những dấu hiệu cho thấy Iran ngày càng sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng cũng như lợi ích của Mỹ."
Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ không muốn xung đột với Iran nhưng vẫn chuẩn bị và sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Washington trong khu vực.
Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo Mỹ sẽ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông.
Đây được xem là thông điệp rõ ràng gửi tới Iran, khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những lợi ích và đồng minh của Mỹ sẽ đều sẽ bị đáp trả.
[Mỹ bất ngờ triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom tới Trung Đông]
Mặc dù vậy, ông Bolton nêu rõ: "Mỹ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh với chế độ tại Iran, nhưng chúng tôi chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mọi cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm, Lực lượng Cách mạng vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) hay các lực lượng Iran thông thường."
Trong bối cảnh gia tăng những căng thẳng, Tổng thống Donald Trump 9/5 tuyên bố ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với nhà lãnh đạo Iran.
Về phần mình, mặc dù Iran đã nhấn mạnh rằng nước này sẽ không tái đàm phán với Mỹ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt, nhưng giới chức Tehran cũng để ngỏ khả năng đàm phán nếu Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm cô lập Iran về chính trị và kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã ký với Tehran năm 2015. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran.
Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Kể từ ngày 1/5 vừa qua, quy chế miễn trừ này đã hết hạn.
Đáp lại, ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.
Ông cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân./.