Các núi băng ở phía Tây Nam Cực đang trở nên bất ổn và có nguy cơ tan chảy, khiến mực nước biển tăng thêm tới 3 mét trong những thế kỷ tới. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Khí hậu ở Potsdam, Đức.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ ngày 2/11, các nhà khoa học đã đưa ra dự báo về các ảnh hưởng trong thời gian dài ở vùng Biển Amundsen, nơi đang trở nên mất ổn định. Sử dụng máy tính để dự đoán các ảnh hưởng sẽ xảy ra trong 60 năm tới nếu với tốc độ tan băng như hiện tại, các nhà khoa học cho biết cả dải băng khổng lồ này sẽ tan hết và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 3 mét.
Theo các nhà khoa học, một khi sự mất ổn định bắt đầu, tình trạng tan băng là không thể tránh khỏi và quá trình này sẽ kéo dài từ vài thế kỷ tới cho đến thiên nhiên kỷ tới. Cũng theo nghiên cứu này, chỉ vài thập kỷ nóng lên của đại dương cũng có thể tạo ra một đợt băng tan kéo dài trong vài trăm đến vài nghìn năm.
Đầu năm nay, các nhà khoa học cảnh báo một số dải băng ở Nam Cực đã bị tan chảy tới 18% khối lượng trong một thập kỷ qua. Dựa vào các dự liệu chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học nhấn mạnh trong giai đoạn 1994-2003, mỗi năm khối lượng các tảng băng tan chảy ở Nam Cực không đáng kể, vào khoảng 25 km3 nhưng từ năm 2003 tới nay, con số này lên tới 310 km3/năm.
Những điểm nóng được xác định là các vùng biển Amundsen và Bellingshausen, nơi các khối băng bị mất khoảng 18% độ dày trong vòng chưa tới 10 năm.
Lượng băng ở cả Bắc Cực và Nam Cực đều tan chảy nhanh hơn dự kiến cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động. Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần lượng băng tuyết tại hai cực sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu. Họ đồng thời hối thúc chính phủ các nước và người dân trên thế giới cần nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả để hạn chế việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính./.