Cảnh báo nguy cơ đe dọa sản lượng nông nghiệp ở châu Á-TBD

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã hối thúc các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi đầu trong việc thích ứng và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cảnh báo nguy cơ đe dọa sản lượng nông nghiệp ở châu Á-TBD ảnh 1Nông dân xã Phong Bình, huyện Phong Điền thu hoạch lúa Hè Thu. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã hối thúc các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi đầu trong việc thích ứng và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

​Phát biểu ngày 25/8, Trợ lý Giám đốc kiêm Đại diện FAO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương Kundhavi Kadiresan cho biết ngành nông nghiệp nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã bị thiệt hại nặng nề do thiên tai trong những năm gần đây, chủ yếu là liên quan đến biến đổi khí hậu.

Xét về địa lý, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản lượng nông nghiệp thể hiện ở sự sụt giảm mạnh năng suất lúa gạo, lúa mỳ, ngô và đỗ tương.

Các nước nhiệt đới cận xích đạo chịu ảnh hưởng rõ hơn so với các nước ở vĩ độ cao hơn. Ngành ngư nghiệp cũng bị tác động do hiện tượng nước biển ấm dần lên.

Ông Kadiresan nhấn mạnh biến đổi khí hậu gây thiệt hại nhiều tỷ USD mỗi năm, nên hiện là thời điểm phải hành động.

Giới hoạch định chính sách cần chuẩn bị cho những thay đổi về nguồn cung, chuyển dịch hình thức thương mại, đầu tư lớn hơn cho ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, quản lý đất đai và nguồn nước.

Theo các nghiên cứu mới nhất giới chuyên gia quốc tế, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch của các loại cây trồng chủ yếu như lúa mỳ, gạo và ngô.

Dựa vào 70 nghiên cứu được thực hiện trước đây cùng với việc thử nghiệm một loạt phương pháp như tái tạo mô hình phản ứng của các loại cây trồng đối với sự biến đổi khí hậu ở cấp độ khu vực và trên toàn cầu, sử dụng các mô hình thống kê dựa trên những dữ liệu về thời tiết và sản lượng thu hoạch và tiến hành các thí nghiệm về cảnh báo trên các cánh đồng, các nhà khoa học cho rằng việc nhiệt độ tăng lên có thể ảnh hưởng không tốt tới sản lượng thu hoạch của những loại cây trồng trên, theo đó mỗi lần nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, sản lượng thu hoạch của lúa mỳ sẽ bị giảm 6%, sản lượng gạo giảm 3,2% và sản lượng ngô giảm 7,4%, trong khi sản lượng đỗ tương chỉ giảm chút ít.

Ngoài ra, lượng CO2 trong không khí tăng sẽ làm cho lượng protein trong các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mỳ giảm, điều này đe dọa sự phát triển thể chất và giảm tuổi thọ của con người.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học Havard đứng đầu đã tiến hành nhiều thí nghiệm và dự báo đến năm 2050 sẽ có 150 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu protein liên quan trực tiếp tới sự gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.