Cảnh báo sự cố động cơ của Airbus A220 khi đạt độ cao hơn 10.000m

Trong một hướng dẫn bay khẩn cấp, các hãng hàng không sử dụng dòng máy bay Airbus A220 được yêu cầu không vượt quá 94% công suất tối đa khi ở độ cao 10.092m.

Các nhà quản lý an toàn hàng không Canada và Liên minh châu Âu đã yêu cầu các máy bay Airbus A220 sẽ không được sử dụng hết công suất khi ở độ cao hơn 10.000m.

Thông báo trên được đưa ra sau một vài sự cố với động cơ của dòng máy bay này.

Trong một hướng dẫn bay khẩn cấp, do Transport Canada ban bố cuối tuần qua và được Cơ quan An toàn Hàng không (EASA) của Liên minh châu Âu truyền tiếp ngày 29/10, các hãng hàng không sử dụng dòng máy bay trên của Airbus được yêu cầu không vượt quá 94% công suất tối đa khi ở độ cao 10.092m.

Theo thông báo, hướng dẫn trên được ban bố sau "một số sự cố khiến động cơ ngừng hoạt động khi đang bay," xảy ra với các máy bay A220 do hãng hàng không Air Canada vận hành, và một loạt sự cố khác với các chuyến bay của hãng hàng không Swiss, chi nhánh của Lufthansa (Đức).

Trong một chuyến bay của  hãng hàng không Swiss, các phần của động cơ đã rơi trên bầu trời nước Pháp, và sau các sự cố vào tháng 9 và 10, hãng hàng không này đã phải ngừng mọi chuyến bay bằng loại máy bay này cho đến khi mọi chuyện được điều tra làm rõ.

[Cận cảnh Airbus chào hàng máy bay A220 loại nhỏ tại Việt Nam]

Trong khi các nhà điều tra Canada đang tiếp tục xác định nguyên nhân của vụ rơi động cơ trên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy độ cao lớn hơn mức thiết kế lực đẩy của động cơ.

Hướng dẫn trên cảnh báo rằng "điều kiện này, nếu không được sửa đổi, có thể dẫn tới hỏng động cơ và gây hư hại máy bay."

Hơn nữa, các nhà quản lý cũng kêu gọi các hãng hàng không tránh các điều kiện như băng có thể đóng quanh máy bay và đặt máy bay ở độ cao tối đa là 10.668m trong khi máy bay không thể lên tới độ cao này.

Chỉ dẫn nêu rõ việc không thể ngắt thiết bị làm tan băng "ở độ cao trên 10.668m có thể dẫn tới việc vỏ động cơ quá nóng, và dẫn tới cảnh báo cháy."

Máy bay A220 ban đầu do hãng Bombardier của Canada thiết kế và chế tạo, song không nhận đủ đơn đặt mua cần thiết. Sau đó, dòng máy bay này đã được Airbus mua lại, và hãng đã thành công trong việc thu hút nhiều đơn đặt hàng hơn từ các hãng hàng không.

Khả năng tiết kiệm nhiên liệu hơn của dòng máy bay này phần nhiều là nhờ các động cơ mới, do công ty Pratt & Whitney sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.