Cảnh báo lừa đảo đưa lao động đi Hàn Quốc

Cảnh giác với chiêu lừa đảo đưa lao động đi Hàn Quốc

Ngay khi thị trường lao động xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc vừa mở trở lại, các cơ quan chức năng đã cảnh báo về các hành vi lừa đảo tới người lao động.
Cảnh giác với chiêu lừa đảo đưa lao động đi Hàn Quốc ảnh 1Lao động đang chờ làm thủ tục sang Hàn Quốc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

"Cò" nhiều vì quá hấp dẫn

Sau hơn một năm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam, những lao động lần đầu đi làm việc tại Hàn Quốc đã xuất cảnh theo Bản ghi nhớ đặc biệt nối lại việc tiếp nhận lao động Việt Nam vừa được ký ngày 21/12/2013.

Tuy nhiên, do nhu cầu xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc quá lớn nên ngay khi thị trường lao động này vừa mở trở lại, các cơ quan chức năng đã có ngay những cảnh báo về các hành vi lừa đảo tới người lao động.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ ngày 25/2, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) ông Lương Đức Long cho biết, trong số hơn 9.000 hồ sơ lao động bị "đóng băng" chưa được giới thiệu lại cho chủ sử dụng lao động từ tháng 8/2012, đã có 8.700 hồ sơ được hoàn thiện và đã gửi cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Hàn Quốc là thị trường lao động có thu nhập hấp dẫn, khoảng 1.000-2.000 USD/tháng. Mỗi năm có khoảng 60.000-70.000 lao động có nguyện vọng được đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Hàn Quốc lại chỉ tiếp nhận khoảng 10.000 lao động Việt Nam. Chính vì nhu cầu đi xuất khẩu lao động quá lớn nên Hàn Quốc luôn là thị trường nóng bởi vấn nạn cò mồi, lừa đảo thu tiền bất hợp pháp của người lao động.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cảnh báo: “Người lao động không nên tin vào những lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới hứa giúp đỡ vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Đề kiểm tra do phía Hàn Quốc chuẩn bị từ Hàn Quốc và được bảo mật cho đến tận phòng thi.”

Công khai trên website

Ông Đào Công Hải khẳng định, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ công khai danh sách những người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển trên website của trung tâm để người lao động biết về tình trạng hồ sơ của mình. Đặc biệt, việc giới thiệu cho chủ sử dụng lao động là do phía Hàn Quốc thực hiện một cách ngẫu nhiên, không một tổ chức, cá nhân nào có thể tác động vào quy trình đó.

Hiện tại, vẫn còn hơn 400 hồ sơ đang được nhập vào hệ thống để gửi sang Hàn Quốc. Mặc dù việc tiếp nhận mới hồ sơ đã hết hạn nhưng ông Lương Đức Long cho biết, đối với những trường hợp đặc biệt như lao động ở xa, chưa biết thông tin và gửi hồ sơ muộn thì trung tâm sẽ vẫn tiếp tục nhận hồ sơ.

Ngay khi các hồ sơ lao động Việt Nam được gửi sang Hàn Quốc, có 166 lao động được chọn và đã xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Ngoài những lao động đã đủ điều kiện gửi hồ sơ sang Hàn Quốc, trong các đối tượng lao động được sang Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ đặc biệt vẫn còn hơn 1.800 lao động nông nghiệp tại các huyện nghèo chưa thi tiếng Hàn. Những lao động này sẽ sớm được tổ chức thi tiếng Hàn, lao động đủ điều kiện tiếng Hàn sẽ được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Cảnh giác với chiêu lừa đảo đưa lao động đi Hàn Quốc ảnh 2Lao động về nước đúng hạn sẽ được quay lại Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)

Trong thời gian tới, những lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn cũng sẽ là đối tượng được giới thiệu lại cho chủ sử dụng lựa chọn để quay lại Hàn Quốc làm việc.

Riêng đối tượng lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, đã có 580 lao động được trở lại Hàn Quốc làm việc. Dự kiến, số lượng người lao động hết thời hạn hợp đồng lao động trong thời gian tới sẽ tăng lên, mỗi năm có khoảng gần 10.000 người.

Người lao động có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: www.ttldnnvietnam.gov.vn) để biết các thông tin về chương trình và tự bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo của các đối tượng cò mồi, môi giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục