Cao Bằng bảo tồn, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm với nhiều di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản...
Núi mắt thần – điểm đến quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2018, Cao Bằng đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất để phát triển du lịch, được thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá cao, bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có trên 130 di sản địa chất đa dạng, phong phú, diện tích trên 4.000km2/10 huyện, thành phố, là minh chứng cho sự kiến tạo vỏ trái đất hơn 500 triệu năm trước.

Với diện mạo địa chất đa dạng, khí hậu á nhiệt đới ôn hòa, tạo hóa đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng hùng vĩ, thơ mộng với hệ sinh thái đa dạng.

Tỉnh có 5 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, 96 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Theo ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm với nhiều di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước..., tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như thác Cúc đá tay cuộn, Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)…

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì thế, nhiều tạp chí ở các quốc gia phát triển đã bầu chọn Cao Bằng là điểm đến lý tưởng để ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc. Điều đó mở ra hướng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy giải quyết vấn đề toàn cầu về chống Biến đổi Khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn...

Ông Guy Martini nhận định mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Cao Bằng luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản công viên địa chất. Kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Công viên cần được chia sẻ với các nước thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để cùng nhau bảo vệ, phát huy tốt hơn nữa.

Trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận có rất nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó có thác nước Bản Sầm ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Vi Trần Thùy, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, cho biết thường kỳ 2 năm/lần, chuyên gia Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ tổ chức kỳ thẩm định lại công viên địa chất. Nếu tỉnh không thực hiện tốt các khuyến nghị sẽ bị tước danh hiệu. Vì vậy, Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền về công viên địa chất cho nhân dân, đưa vào trường học, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, bảo tồn, phát huy các di sản công viên địa chất; từ đó thay đổi hành vi tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất. Cao Bằng cũng tham gia nhiều hoạt động do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tổ chức, phát động, tăng cường gắn kết các nước thành viên.

Sau 6 năm đi vào vận hành (2018-2024), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về giáo dục liên quan đến công viên địa chất; nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; nghiêm cấm việc buôn bán các mẫu vật, vật liệu địa chất trong vùng công viên địa chất; hạ tầng cơ sở được nâng cấp, cải tạo; tăng cường sự tham gia của Ban Quản lý trong các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO…

Các hành động này đã bảo vệ giá trị di sản công viên địa chất, nâng tầm và phát huy hiệu quả giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục