Dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cuối tháng Tư, đến ngày 20/6, đã lan rộng ra 9 huyện, thành phố trong tỉnh, đe dọa nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi vốn chưa phục hồi sau đợt dịch tả từ năm 2019.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, đến ngày 24/6, toàn tỉnh có 138 hộ chăn nuôi, ở 60 xóm, thuộc 33 xã, thị trấn tại 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 600 con, tổng trọng lượng trên 25 tấn.
[Dịch tả lợn châu Phi: Kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn]
Các ổ dịch xuất hiện rải rác khắp các địa phương, có diễn biến phức tạp, chưa được khống chế, có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
Ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, cho biết nguyên nhân khiến dịch tái phát và lan rộng là do nguồn cung thịt lợn trên địa bàn khan hiếm đẩy giá lợn lên cao khiến cho người dân nảy sinh tâm lý tiếc của, không muốn báo cáo chính quyền, lén lút giết mổ, mang lợn đi tiêu thụ.
Nước thải giết mổ lại chảy ra môi trường mang mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc giám sát, phát hiện, xử lý còn hạn chế nên có trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan mầm bệnh.
Cùng với đó, nhiều hộ dân có tâm lý nóng vội, muốn tái đàn sớm nên không lựa chọn kỹ các cơ sở bán lợn giống đảm bảo chất lượng, mua con giống không rõ nguồn gốc, mang theo mầm bệnh tả lợn châu Phi. Việc vận chuyển lợn hơi, thịt lợn từ bên ngoài vào địa bàn không được kiểm soát tốt, mang theo mầm bệnh.
Một số ổ dịch cũng tái phát từ các ổ dịch cũ, nơi người dân chưa thực hiện triệt để các biện pháp khử trùng tiêu độc...
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khử trùng tiêu độc cơ sở chăn nuôi; xử lý lợn bệnh, lợn chết, xử lý môi trường theo quy định; chuẩn bị công bố dịch khi đủ điều kiện.
Tỉnh thành lập các chốt trạm chống dịch tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn, giám sát các cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, lợn chết; tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống dịch./.