Cao Bằng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới

Ngày 24/6, tại Cao Bằng đã diễn ra Hội đàm lần thứ 9 giữa lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với Đoàn đại biểu thành phố Bách Sắc (Quảng Tây-Trung Quốc).
Doanh nghiệp hai bên kí biên bản hợp tác. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Doanh nghiệp hai bên kí biên bản hợp tác. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Ngày 24/6, tại Cao Bằng đã diễn ra Hội đàm lần thứ 9 giữa lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với Đoàn đại biểu thành phố Bách Sắc (Quảng Tây-Trung Quốc).

Tại hội đàm, ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cao Bằng đã báo cáo kết quả đạt được sau hội đàm lần thứ 8 (ngày 25/10/2018, tại thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc).

Theo đó, căn cứ vào những nội dung hội đàm lần thứ 8, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành lập hồ sơ nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc) trở thành cửa khẩu quốc tế; trình Chính phủ phê duyệt mở lối thông quan Nà Đoỏng (Việt Nam)-Nà Ráy (Trung Quốc) tại khu vực mốc 736-736/1 thuộc phạm vi cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa Khu hợp tác kinh tế Trà Lĩnh vào Đề án tổng thể các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho phép tỉnh Cao Bằng triển khai thí điểm...

Tại hội đàm lần thứ 9, hai bên thống nhất các nội dung như: Thúc đẩy cấp trên phê duyệt nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang thành cửa khẩu quốc tế và mở lối mở thông quan Nà Đoỏng-Nà Ráy; thực hiện đồng thời công tác phân tuyến biên giới lối mở Nà Đoỏng-Nà Ráy.

[Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Thay đổi tư duy để thích ứng]

Bên cạnh đó, hai bên nhất trí kiểm tra tình hình thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu của hai cửa khẩu; thực hiện thống nhất tiêu chuẩn, chính sách, niêm yết đồng bộ công tác thu thuế xuất nhập khẩu, chi phí vận chuyển...

Cùng với đó, hai bên tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt xây dựng cầu chuyên dụng hàng hóa cửa khẩu Sóc Giang (Việt Nam)-Bình Mãng (Trung Quốc); xác định những thủ tục có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện và người điều khiển phương tiện; cơ chế hợp tác sau khi mở lối mở.

Hai bên thống nhất nhanh chóng xúc tiến tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng)-Đồng Đăng (Lạng Sơn); xây dựng đường từ xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, Việt Nam) đến cửa khẩu Nhạc Vu (Trung Quốc); thúc đẩy hoạt động tuyến vận tải đường bộ quốc tế Cao Bằng-Bách Sắc tại cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang...

Ông Thạch Quốc Hoài, Phó Thị trưởng thường vụ Chính phủ nhân dân thành phố Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) đánh giá, hội đàm lần thứ 9 diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, hữu nghị và hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới hai nước...

Trong khuôn khổ hội đàm lần thứ 9 đã diễn ra giao lưu doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Theo đó, 58 doanh nghiệp (17 doanh nghiệp Trung Quốc, 41 doanh nghiệp Việt Nam) bày tỏ mong muốn được hợp tác trên các lĩnh vực như xúc tiến đầu tư vào Dự án Khu trung chuyển và Khu gia công chế biến hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), xuất nhập khẩu ủy thác, thương mại; thiết bị công nghệ điện, điện tử, tự động hóa; mua bán, chuyển giao công nghệ, thương mại sản phẩm; tìm kiếm đối tác có đơn hàng lao động tại Trung Quốc và Việt Nam, hợp tác xuất khẩu lao động; tìm kiếm đối tác phát triển du lịch, cung cấp dịch vụ logistics qua biên giới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.