Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai cấp mã vùng trồng. Đây là cơ hội mới cho nông sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch đi một số nước trên thế giới.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng.
Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác... Chương trình này giúp nông dân nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ cho biết hợp tác xã có 18ha diện tích trồng bưởi của 5 hộ, với sản lượng khoảng 540 tấn/năm đang được thiết lập hồ sơ để cấp mã vùng trồng.
[Xây dựng chuỗi giá trị nông sản để tận dụng cơ hội xuất khẩu]
Theo ông Kha, để được thiết lập mã số vùng trồng, trước hết phải thay đổi phương thức sản xuất, sản phẩm phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Do đó, những năm qua, ông và các hộ trong hợp tác xã đã dần chuyển đổi sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ đồng thời thực hiện ghi chép nhật ký cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký thương hiệu nhãn hiệu… Nhờ đó, 18ha bưởi đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ...
“Chúng tôi đang chờ Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng để tiến hành đàm phán với các thị trường xuất khẩu. Hy vọng bưởi da xanh của Sông Xoài sẽ sớm nhận được mã vùng trồng để vươn xa hơn," ông Kha thông tin thêm.
Theo nhiều hợp tác xã, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, dù sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn nhưng cũng khó có thể xuất đi nước ngoài được.
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc cho biết năm 2018, khi 29,5 ha nhãn của Hợp tác xã Nhân Tâm đã được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái nhãn đã được xuất đi Trung Quốc.
Vụ nhãn vừa qua, hợp tác xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu vào Nhật Bản, với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng. Theo ông Hoành, việc được cấp mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số. Trong số đó, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc có 3 mã số vùng trồng với diện tích 420,9 ha tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, gồm 1 mã vùng trồng nhãn 13,9 ha, sản lượng ước đạt 291,9 tấn/năm; 2 mã vùng trồng chuối 407,12 ha, sản lượng ước 16.280 tấn chuối/năm.
Các mã số xuất khẩu này do các cơ sở như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Nochy và Công ty Cổ phần cao su Thống Nhất sở hữu.
Ngoài ra, 2 mã vùng trồng nhãn với diện tích 24ha, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, sản lượng ước đạt 502,1 tấn/năm. Các mã số này do Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sở hữu đang xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Australia. Thị trường xuất khẩu EU có 3 mã vùng trồng bưởi với diện tích 50 ha, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm.
Cùng với đó, 2 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu với diện tích 5.167 m2 đóng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Châu Đức để xuất chuối đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết đơn vị đã và đang hỗ trợ thực hiện cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh. Chi cục đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho 4 vùng trồng bưởi trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.
Ngoài ra, Chi cục cũng đang đang lập hồ sơ đăng ký cấp 4 mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích 57ha; hoàn thiện hồ sơ 6 mã số vùng trồng đối với sầu riêng tại huyện Châu Đức, với tổng diện tích 80ha. Đây đều là những sản phẩm đủ điều kiện an toàn, chứng nhận VietGAP.
Ông Đức thông thông tin thêm, ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói./.