Cầu nối gắn kết với doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan và Lào

Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan-Việt Nam trong việc tập hợp, hỗ trợ, giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam và Lào.
Cầu nối gắn kết với doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan và Lào ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Ngày 28/11, tại tỉnh Udon Thani, miền Đông Bắc Thái Lan, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam-Lào lần thứ nhất với sự tham dự của 300 đại biểu là đại diện các sở, ngành địa phương Việt Nam và Thái Lan, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp kiều bào gốc Việt tại Thái Lan và tại Lào.

Phát biểu chào mừng diễn đàn, ông Wanchai Kongkasem, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani, khẳng định diễn đàn là một trong những dấu ấn về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh trong năm 2022. Ông đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp kiều bào gốc Việt tại Lào và Thái Lan trong xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Nhấn mạnh vị trí quan trọng của tỉnh Udon Thani và khu vực Đông Bắc Thái Lan trong kết nối kinh tế với các nước khu vực tiểu vùng Mekong, đặc biệt là Việt Nam và Lào, ông Wanchai khẳng định tỉnh Udon Thani sẵn sàng tổ chức các hoạt động kết nối kinh tế với các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp kiều bào gốc Việt.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng và công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm gần đây. Ông đánh giá cao những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan-Việt Nam trong việc tập hợp, hỗ trợ, giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan với các doanh nghiệp Việt Nam và Lào; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội nước sở tại, thu hút nguồn lực về phát triển đất nước, là biểu tượng cầu nối thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam-Thái Lan-Lào.

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, nhấn mạnh Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam-Lào là dịp để các doanh nhân, doanh nghiệp 3 nước chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, du lịch và dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Theo ông Peter Hồng, điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024."

[Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với kiều bào Thái Lan]

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào gốc Việt tại Thái Lan và Lào là cộng đồng rất có tiềm lực kinh tế và mong muốn hợp tác cùng nhau và hợp tác với Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động, mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh sang thị trường Thái Lan. Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định diễn đàn là một kênh kết nối phù hợp, hiệu quả để các doanh nghiệp triển khai các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Thái Lan hiện là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại nước ta với hơn 600 dự án với tổng giá trị đạt trên 13 tỷ USD. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,6 tỷ USD. Hai nước đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025. Có thể khẳng định dư địa hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước vẫn còn rất lớn, nếu phát huy được sự kết nối kinh tế trực tiếp giữa địa phương với địa phương và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Cầu nối gắn kết với doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan và Lào ảnh 2Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp 3 nước trao đổi sôi nổi về thế mạnh, nhu cầu và biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch. Các doanh nghiệp cũng nêu các kiến nghị đối với các cơ quan trung ương, địa phương Việt Nam và Thái Lan trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, làm ăn tại các thị trường của nhau, giúp tăng cường tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp kiều bào, qua đó giúp kiều bào gắn kết lợi ích kinh tế với Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội quê hương, đất nước.

Theo ông Hồ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái-Việt, việc tổ chức diễn đàn này rất có ý nghĩa trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang được kết nối trở lại sau một thời gian dài ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và đây là cầu nối để doanh nhân 3 nước kết nối buôn bán với nhau.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Lược, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân gốc Việt tại tỉnh Amnat Charoen (Thái Lan), cho rằng trong vấn đề trao đổi hàng hóa giữa 3 nước vẫn còn nhiều bất cập liên quan tới giao thông và giấy tờ, thủ tục cấp phép. Hiện hàng Thái Lan sang Việt Nam không có vấn đề nhưng hiệp hội muốn đưa hàng Việt Nam sang Thái Lan phải cạnh tranh với các cá nhân công ty đã làm trước đó về giá cả, thị phần. Ông cũng cho biết hàng Việt Nam sang Thái Lan như bánh kẹo, nước mắm phải có giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc sản phẩm, phải xin phép bên lĩnh vực ngành nghề của Thái để nhập khẩu nên rất mất thời gian. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển, chi phí đi lại giữa 3 nước cũng là vấn đề, cũng phải tính thêm vào chi phí kinh doanh.

Ông Đoàn Văn Lược cho biết hiện hiệp hội mong muốn phối hợp với doanh nghiệp trong nước xây dựng kho bãi bên Việt Nam để hỗ trợ hàng xuất nhập khẩu với Thái Lan.

Tại phiên kết nối thương mại diễn ra chiều cùng ngày, các doanh nghiệp đã gặp gỡ, tìm hiểu và ký kết hàng chục bản ghi nhớ trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, du lịch và dịch vụ, xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của 3 nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.