Phiên chất vấn của Quốc hội với tư lệnh ngành công thương trong phiên sáng nay (15/11) đã nóng lên với hàng loạt các câu hỏi liên quan đến thủy điện, những dự án đầu tư thua lỗ thuộc lĩnh vực của ngành công thương, tình trạng hàng lậu, hàng giả...
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có một số trao đổi với phóng viên liên quan đến nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Phiên chất vấn Quốc hội là nơi chứng minh khả năng của các Bộ trưởng, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn không nhiều nên cần đi thẳng vào vấn đề.
Liên quan đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương sáng nay, theo tôi nhiều nội dung Bộ trưởng vẫn chưa đi vào trọng tâm, một số câu hỏi vẫn phải gửi lại bằng văn bản cho các đại biểu.
- Một vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải đáp liên quan đến việc xả lũ tại thủy điện Hố Hô, ông đánh giá thế nào về nội dung trả lời này?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Ý kiến của Bộ trưởng rõ ràng trong quy trình vận hành xả lũ là chưa đầy đủ, ở đây phải quy định trước khoảng thời gian bao nhiêu phải thông báo trước khi xả lũ.
Trong vụ việc xả lũ thủy điện Hố Hô, nếu chủ dự án cho rằng đã thông báo nhưng không liên hệ được cho cán bộ có liên quan của địa phương thì không có nghĩa là người dân phải chịu lũ, mà cần phải tìm cách hiệu quả hơn để thông báo cho chính quyền và người dân hạ du.
Ờ đây có trách nhiệm về quy trình do Bộ Công Thương ban hành cũng như trách nhiệm những người thông báo cho dân, từ chính quyền địa phương, Ủy ban phòng chống lụt bão địa phương và chủ công trình thủy điện.
Thực tế có hàng trăm nghìn hộ dân thì không có người này phải có người kia để thông báo, cần quy định thời gian thông báo xả lũ trước bao nhiêu thời gian để người dân có thể di chuyển, tránh lũ.
- Trách nhiệm của các bộ trưởng và thực hiện lời hứa đã được đề cập nhiều, tuy nhiên góc độ giám sát của các đại biểu Quốc hội trong các dự án lớn cần thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Ở đây trách nhiệm giám sát là của các cơ quan dân cử như Quốc hội.
Hiện nay, pháp luật quy định việc vận hành các công trình thủy điện khá chi tiết, còn việc giám sát không chỉ ở các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà cần cả thể chế và hệ thống chính trị vào cuộc.
Việc xây dựng quy trình xả lũ của Bộ Công Thương trước tiên là Bộ này phải chịu trách nhiệm, nếu có bất cập cần phải sửa đổi, còn khi xảy ra rồi mới biết quy trình có lỗi và chưa phù hợp đương nhiên sẽ gây hậu quả.
Việc giám sát quy trình này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và mỗi một mắt xích trong hệ thống đó đều phải có trách nhiệm với người dân.
- Các dự án mà đại biểu quan tâm do đầu tư thua lỗ, vậy ý kiến của ông về nội dung này ra sao?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nói việc đầu tư các dự án thua lỗ nằm ở giai đoạn trước, khi đó các quy định về đầu tư được giao trực tiếp cho các tổng công ty để chủ động trong việc quản lý vốn và đầu tư dự án cho nên việc phê duyệt về chủ trương như thế nào thì do tổng công ty chịu trách nhiệm.
Rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước ở đây thuộc về thể chế và chưa rõ ràng vì giao hẳn quyền cho tổng công ty đó, đến khi xong xuôi, vỡ lở rồi nhà nước mới vào cuộc thì chắc chắn sẽ không kịp thời.
Do vậy, vấn đề cốt lõi trong việc vận hành kinh tế hiện nay theo tôi quan trọng nhất là phải ở khâu tiền kiểm tra, tức là trước khi triển khai dự án cần có đánh giá của các Bộ, ngành chủ quản, kể cả các chuyên gia trong lĩnh vực đó.
- Theo ông trách nhiệm trong thời gian tới việc quản lý đầu tư công cần được quy định cụ thể ra sao?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Việc điều hành trong thời gian tới cần nêu cao trách nhiệm và chất lượng công chức ở từng vị trí công việc, theo tôi mọi cán bộ phải đồng lòng, chung sức với Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, trong việc phát triển kinh tế cần xác định mũi nhọn và tập trung nguồn lực, hiện nay còn nhiều mảng công việc kỳ vọng phải làm nhưng phải phù hợp với nguồn lực mới đáp ứng được. Sau đó là phải quyết liệt triển khai các công việc đó.
- Với những dự án nghìn tỷ, theo ông chúng ta cần có các cơ chế như thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Đầu tiên, những dự án này phải nằm trong chiến lược phát triển của đất nước, nằm trong kế hoạch tái cơ cấu và nằm trong 13 lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là phải tính toán hết các phương án thành công hoặc rủi ro cũng như có giải pháp để xử lý trong trường hợp phát sinh.
Chắc chắn những dự án quan trọng tầm quốc gia sẽ phải thông qua các cơ quan Quốc hội và Chính phủ phê duyệt nhưng các dự án có mức đầu tư lớn khác thì cũng cần đánh giá và thẩm định kỹ xem phương án, tổng mức đầu tư cũng như tầm nhìn của dự án và công nghệ ra sao, có đảm bảo hiệu quả hay không thì mới quyết định đầu tư.
Công việc tiếp theo là khi triển khai cũng phải có giám sát chặt chẽ, kiểm toán phải đúng quy chuẩn định mức và đúng với quy định phù hợp với giá cả thị trường, tất nhiên trong kinh tế thị trường có dự án phải chấp nhận rủi ro nhưng không để xảy ra ở nhiều dự án được.
- Xin cảm ơn ông./.