Cây macca mang lại nguồn sinh khí mới cho bà con vùng khó

Việc phát triển cây macca phải từng bước chắc chắn, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội và môi trường sinh thái.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn cây macca để trồng trong dự án 1 tỷ cây xanh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Điện Biên những ngày này khác hẳn cách đây hơn chục năm trước: Không còn những quả đồi trọc, đất bạc màu tại các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giá, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên khiến cây trồng bị cằn cỗi, mà giờ đây đã phủ lên mình một màu xanh mướt với hàng vạn cây macca đang bắt đầu cho ra quả.

Góp đất cùng doanh nghiệp trồng macca

Tại vườn macca trĩu quả của Công ty cổ phần macadamia tỉnh Điện Biên tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, anh Cà Văn Than cho hay dù là cây trồng mới nhưng bước đầu macca đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng trước đây như sắn, ngô…

Năm 2014, anh Than bắt đầu trồng thử nghiệm theo lời giới thiệu của cán bộ xã. Ban đầu anh cũng phân vân vì chưa hiểu biết gì về cây trồng mới này. Nhưng nhìn diện tích đất đồi để không nên anh đánh liều trồng thử, không ngờ cho kết quả ngoài mong đợi.

[Phát triển macca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững]

Sau đó, gia đình anh Than góp đất vào Công ty Công ty cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên, được tỉnh hỗ trợ mua cây giống, công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phân bón.

“Trong 5 năm đầu, gia đình tôi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao. Cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, không tốn nhiều công chăm sóc, công lao động ít lại sinh trưởng, phát triển tốt, đầu ra cũng đã có công ty lo," anh Than chia sẻ.

Sau 5 năm dày công chăm sóc, hiện 1ha trồng macca của anh Than đã bắt đầu cho thu hoạch, năm đầu tiên ra quả chỉ được khoảng 70kg/ha, tuy nhiên đến năm thứ 2 và 3 sản lượng thu về mỗi cây khoảng 7kg, trung bình 1ha thu về từ 1,8-2 tấn. Dự kiến, các mùa vụ sau sản lượng sẽ tiếp tục tăng vì cây bước vào giai đoạn cho quả nhiều. Trong khi đó, vòng đời của cây macca từ 50-70 năm, nếu được chăm sóc tốt thì lên tới cả trăm năm.

Ngoài góp đất trồng macca, vợ chồng anh Than còn được nhận vào làm công nhân. Công việc của anh chị hằng ngày làm cỏ và bảo vệ diện tích macca với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Có việc làm và thu nhập ổn định nên khó khăn của gia đình anh Than dần giảm bớt.

Nhiều hộ nông dân ở đây cũng cho biết, macca là loại cây dài ngày dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ bón phân từ 2-3 lần, dọn cỏ dại là cây có thể phát triển bình thường.

Ông Trần Công Nhì, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên cho biết cây macca thực sự đã mang lại một luồng sinh khí mới cho bà con nơi đây. Từ chỗ e ngại, hiện tại nhiều hộ dân đã mạnh dạn góp đất với các doanh nghiệp để trồng. Việc trồng cây macca bước đầu cho những kết quả rất khả quan, hiệu quả kinh tế mang lại là rất rõ nét, người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cũng theo ông Nhì, hiện công ty đã trồng được 1.600 ha macca, liên kết với hơn 1.000 hộ dân tại huyện Tuần Giáo, kết quả bước đầu cho thấy rất khả thi.

"Chúng tôi liên kết với bà con nông dân. Bà con được hưởng cơ chế chính sách của tỉnh đưa ra là mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng/ha thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về phân bón, giống cây, kỹ thuật trong 5 năm. Từ năm thứ 6, cây bắt đầu ra quả, doanh nghiệp sẽ mua sản phẩm để chế biến," ông Nhì cho biết.

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Macca Việt Nam chia sẻ cây macca rất phù hợp với vùng Tây Bắc vì tháng 10, 11 vào ban đêm nhiệt độ xuống dưới 18 độ nên phân hóa mầm hoa. Mùa ra hoa tầm Tết Nguyên đán không có mưa nên hoa sẽ không bị rụng.

Cũng theo ông Huy, Hiệp hội Macca xây dựng chuỗi khép kín từ cây giống, trồng, chế biến, tiêu thụ. LienVietPostBank sẽ hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người dân vay vốn để triển khai các dự án này. Đặc biệt, LienVietPostBank đã triển khai gói vay chuyên biệt dành cho hộ nông dân và doanh nghiệp trồng macca, mỗi hộ dân được vay vốn ưu đãi để trồng 2 ha.

"Đây là chương trình này mang tính chất lợi ích xã hội, xóa đói giảm nghèo nên được ân hạn 5 năm. Tức là là trong 5 năm trồng cây macca, ngoài tiền LienVietPostBank giải ngân cho người dân, hàng năm người dân vẫn nhận được khoản tiền để chăm sóc cây. Bắt đầu năm thứ 6 ngân hàng mới thu hồi vốn, tối đa 10 năm theo năng suất của cây macca. Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và Hiệp hội để hỗ trợ cho cây macca phát triển đúng theo định hướng mà Bộ Nông nghiệp cùng Hiệp hội Macca đã đề ra," ông Huy nhấn mạnh.

Đưa thành cây xóa đói giảm nghèo

Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết sau nhiều năm nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế, tỉnh Điện Biên và Hiệp hội Macca Việt Nam đã quyết định chọn macca - được ví là cây "tỷ đô" có tuổi thọ dài, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Điện Biên - là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc.

Macca được hứa hẹn sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con Điện Biên. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng theo ông Đô, đến nay đã có 10 dự án trồng macca của 9 doanh nghiệp/nhà đầu tư được tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng tập trung là 62.782ha. Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích (50%-60%) do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích (40%-50%) thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hợp tác xã.

Chính vì vậy, đầu tuần qua, Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc đã chọn cây macca để trồng trong lễ phát động trồng cây hưởng ứng "Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên."

Nêu thực tế Tây Bắc có 3 triệu ha vùng đất trống, đồi trọc, trong đó riêng Điện Biên, tỉnh có thổ nhưỡng phù hợp với cây macca, hiện có 300.000 ha, Chủ tịch nước nhận định Điện Biên có thể chọn macca trở thành một trong những cây giảm nghèo.

Chủ tịch nước lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương, việc phát triển cây macca phải từng bước chắc chắn, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội và môi trường sinh thái.

Đối với tỉnh Điện Biên, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh cần chủ động cho người dân, doanh nghiệp trồng cây macca và Hiệp hội Macca, các tổ chức thương mại, gắn với thị trường tiêu thụ, chú ý giải quyết hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chất lượng macca ở từng vùng.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hiệp hội Macca Việt Nam phối hợp, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển cây macca, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cây mắc ca hiệu quả, bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục