Cây thông cổ thụ hơn 1.200 năm tuổi vẫn tiếp tục "lớn"

Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện được cây cổ thụ cao tuổi nhất châu Âu từng được xác định niên đại - đó là một cây thông Heldreich ít nhất 1230 năm tuổi, và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Cây thông cổ thụ hơn 1.200 năm tuổi vẫn tiếp tục "lớn" ảnh 1Cây cổ thụ vừa được phát hiện. (Nguồn: odditycentral.com)

Một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu tại một công viên quốc gia ở miền Nam nước Italy gần đây đã phát hiện được cây cổ thụ cao tuổi nhất châu Âu từng được xác định niên đại - đó là một cây thông Heldreich ít nhất 1230 năm tuổi, và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Theo trang Odditycentral, với biệt danh “Italus,” cây cổ thụ này do một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Tuscia và do Gianluca Povesan dẫn đầu phát hiện ra trên một sườn núi dốc ở công viên quốc gia Pollino, Italy.

Ngay khi nhìn thấy Italus, các nhà nghiên cứu đã biết họ đã gặp được một mẫu thực vật cổ xưa, nhưng họ không ngờ rằng đó là cây lâu đời nhất từng được phát hiện trên lục địa châu Âu.

Điều thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn là việc mặc dù đã rất lâu đời - ít nhất 1230 năm tuổi - và hầu như không còn tán lá nữa, nhưng thân cây này dường như vẫn phát triển tốt; thân cây vẫn có thêm các vòng tuổi gỗ dày trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu trong công trình được xuất bản gần đây, sự tăng trưởng quan sát được trong nhiều thập kỷ qua mâu thuẫn với sự tăng trưởng hạn chế khi tuổi của tầng phát sinh gỗ gia tăng, đặc biệt khi xem xét sự giảm tăng trưởng và hiện tượng chết khô trên diện rộng diễn ra gần đây đối với nhiều hệ sinh thái Địa Trung Hải.”

Việc xác định chính xác tuổi của cây Italus là một thách thức khó khăn, chủ yếu vì phần ruột của thân cây - phần mà đáng lẽ ra phải có các vòng tuổi lâu đời nhất - lại bị hỏng hoàn toàn vì lý do nào đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết phần lõi trong cùng của thân cây là những hạt như hạt bụi, và rằng họ chưa từng thấy điều gì tương tự như vậy, do đó việc xác định niên đại của các vòng tuổi của cây là bất khả thi.

"Phần bên trong thân gỗ giống như bụi đất - chúng tôi chưa từng thấy thứ gì như vậy cả," Alfredo Di Filippo, một thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra Italus, chia sẻ với National Geographic. "Đã bị mất ít nhất 20cm gỗ, lượng gỗ này tượng trưng cho rất nhiều năm tuổi."

Cây thông cổ thụ hơn 1.200 năm tuổi vẫn tiếp tục "lớn" ảnh 2

May thay, nhờ vị trí của cây thông Heldreich này - trên một sườn đá dốc để lộ ra nền đá dolomite - bộ rễ cổ xưa của nó đã được để lộ ra một phần, do đó các nhà nghiên cứu có thể tiến hành xác định niên đại trên cơ sở carbon để cho ra kết quả chính xác về tuổi của cây. Giống như thân cây, rễ cây cũng có thêm các vòng tuổi hàng năm.

Sau khi phân tích các mẫu thu được, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng Italus có tuổi đời ít nhất 1230 năm, có nghĩa là nó già hơn gần 2 thập kỷ so với cây cổ thụ già nhất châu Âu được biết đến trước đó - một cây thông 1075 tuổi ở Hy Lạp.

Các nhà khoa học cho rằng vị trí hẻo lánh của cây đóng vai trò lớn trong sự sống còn của nó. Sườn đá dốc được cho là đã bảo vệ Italus trước hoạt động khai thác gỗ trong khu vực cũng như trước nạn cháy rừng.

Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù nơi phát hiện ra Italus cũng là nơi có hàng nghìn cây thông Heldreich khác, hầu hết chúng chỉ từ 500 đến 600 năm tuổi, chỉ có 3 cây được cho là hơn 1.000 tuổi.

Một phát hiện thú vị khác của Gianluca Povesan là hiện tượng trái đất nóng lên và những biến đổi khác về khí hậu dường như không tác động tiêu cực tới các cây cổ thụ như Italus. Thậm chí, cây cổ thụ già nhất châu Âu này đã phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua.

National Geographic đưa tin: "Phân tích vòng tuổi cây của họ cho thấy sau khi có những vòng tuổi hẹp hơn trong suốt vài thế kỷ, cây đã cho ra những vòng tuổi rộng hơn trong hai thập kỷ gần đây, điều này thể hiện các điều kiện môi trường tốt hơn."

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dù tán cây đã thoái hóa, Italus vẫn đang phát triển và có khả năng sống thêm nhiều thế kỷ nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục