CEO Sacombank nói gì về việc xử lý khoản nợ của Tập đoàn FLC?

CEO Sacombank: Trong một tháng nữa sẽ xử lý xong khoản nợ của FLC

Sacombank đã xử lý, thu hồi được khoảng 2.600 tỷ đồng trong tổng số 5.000 tỷ đồng đã cho FLC vay và trong vòng 1 tháng nữa sẽ hoàn tất các khoản nợ của tập đoàn này.
CEO Sacombank: Trong một tháng nữa sẽ xử lý xong khoản nợ của FLC ảnh 1Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông Sacombank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết ngân hàng này cho FLC vay trên 5.000 tỷ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là một số dự án và cổ phiếu của Bamboo Airways.

Thông tin trên đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2021 của Sacombank diễn ra ngày 22/4.

Theo bà Diễm, tới nay Sacombank đã xử lý, thu hồi được khoảng 2.600 tỷ đồng và đều có tài sản đảm bảo. Trong vòng 1 tháng nữa, Sacombank sẽ hoàn tất các khoản nợ của FLC và phía đối tác rất hợp tác trong việc trả nợ.

[Các khoản vay của FLC Group tại Sacombank đúng quy định và an toàn]

Liên quan đến khoản nợ của Khu công nghiệp Phong Phú, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho hay hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản tạm dừng đấu giá tài sản đảm bảo là Khu công nghiệp Phong Phú. Hội đồng quản trị Sacombank đã từng bước kiến nghị, làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thời hạn, thời gian đấu giá trong năm 2022 để thu hồi nợ.

Về chia cổ tức cho cổ đông, theo số liệu tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 của Sacombank, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. 

Tuy nhiên, hiện tại Sacombank đang thực hiện đề án nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ cơ quan quản lý.

Tại đại hội này, Sacombank cũng đặt kỳ vọng trong 5 năm tiếp theo (2022-2026) trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu cùng với chuyển đổi số hoá toàn diện.

Bắt đầu từ năm bản lề 2022, Sacombank đặt kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng còn lại và sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu trước thời hạn. Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10%-20%, tổng tài sản tăng lên 573.500 tỷ đồng, tổng huy động vốn 512.700 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 435.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng (tăng 20%), kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

Đại hội của Sacombank cũng thống nhất số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2026 là 7 nhân vật, gồm: Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, ông Phạm Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Phan Đình Tuệ và ông Nguyễn Xuân Vũ - thành viên Hội đồng quản trị; ông Vương Công Đức và bà Phạm Thị Thu Hằng - thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Được biết, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt với Sacombank, là thành tựu sau 5 năm tái cơ cấu. Trong năm này, ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được 14.087 tỷ đồng, trong đó thu hồi 11.759 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, vượt mục tiêu cổ đông giao (10.000 tỷ đồng); nâng mức thu hồi luỹ kế từ khi thực hiện đề án lên 58.306 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025, vượt 7,9% tiến độ. Tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản. Sacombank vẫn tiếp tục tiến hành thu hồi nợ và dự kiến sẽ thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng./.

CEO Sacombank: Trong một tháng nữa sẽ xử lý xong khoản nợ của FLC ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.