Là thành viên trong Đoàn công tác số 12 thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2024, có cha là liệt sỹ Hải quân hy sinh trên vùng biển Trường Sa, ngay sau chuyến hải trình dài ngày, vừa đặt chân lên đất liền, chị Trần Thị Liên, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vội vã trở về quê hương ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, để đặt lên bàn thờ chai nước nhỏ lấy từ vùng biển Trường Sa và nghẹn ngào bên mẹ: “Con đã hoàn thành ước nguyện một lần gặp được cha.”
Khá dè dặt, chị Liên không muốn nói về mình, bởi như chị nói, vẫn còn rất nhiều liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển này mà người thân của họ vẫn chưa từng có cơ hội một lần ghé thăm.
Chị muốn những người đồng đội của cha mình đang lặng trong bóng nước Trường Sa được siêu thoát, an yên. Nhưng câu chuyện về người con gái vượt ngàn trùng xa, soi mình trên mặt nước xanh thẳm, với niềm mong mỏi mãnh liệt về người cha đã khuất, có linh thiêng sẽ được thấy mặt con gái mình ở vùng biển này, đã làm rung động trái tim tất cả những thành viên trong chuyến công tác.
Những cảm xúc về “chuyến đi của cuộc đời” của chị cũng đã hòa trong tâm trạng chung của tất cả mọi người, khi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người anh hùng, liệt sỹ đang nằm sâu dưới biển cả mênh mông, vì sự trường tồn của đất mẹ.
Chưa từng gặp cha, bởi ông đã hy sinh và nằm lại trên vùng biển Trường Sa khi chị còn trong bụng mẹ. Những gì chị biết về cha chỉ qua những lời kể của mẹ về cái tên mình do chính cha đặt.
Chị và chị gái của mình lớn lên với tuổi thơ vắng cha và những giấc mơ huyền hoặc, một ngày nào đó cha trở lại như những câu chuyện về những cựu chiến binh mất tích trở về đã được nghe. Khi đã lớn lên, thời gian đủ dài, chị mới thực sự chấp nhận về sự hy sinh của cha mình, thấu hiểu nỗi lòng của mẹ mong cha có được một lần "thấy mặt" cô con gái của mình.
Chị thực sự bất ngờ và xúc động khi có được cơ hội đến với Trường Sa, để có thể đến gần hơn với nơi cha mình đang yên nghỉ. Trong ráng chiều tà của buổi lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trên vùng biển Trường Sa, tổ chức trên boong tàu KN290, các đại biểu Đoàn công tác số 12 xúc động cúi đầu mặc niệm trong lời điếu "Máu của các anh đã tan vào biển mặn, hòa vào cánh sóng, hóa linh hồn bất tử, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…
Biển thì rộng mà sức người có hạn, đến nay xương cốt nhiều cán bộ, chiến sỹ của Hải quân chúng tôi vẫn đang nằm lại dưới biển sâu lạnh lẽo, đang hằng ngày, hằng giờ, mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Gia đình, người thân của các đồng chí chỉ biết lấy nước biển nơi các anh đã hy sinh thay cho xương cốt về thờ cúng… "Mặt biển rực thêm sắc đỏ, những ngọn sóng như những cánh tay của những người con đất Việt linh thiêng đón nhận vòng hoa đỏ thắm đang từ từ hạ xuống trong niềm xúc động dâng trào của những người có mặt trên bong tàu."
Cố nhoài mình trên boong tàu để vươn xa thêm chút nữa về mặt biển, chị Liên run run thả những bông hoa sen giấy nhỏ, loài hoa cha chị yêu thích nhất mà chị tự làm từ đất liền xuống biển, thầm thì “Cha ơi, hôm nay con đã hoàn thành được ước nguyện của mẹ. Cha linh thiêng trở về chứng kiến đứa con cha đặt tên nay đã khôn lớn, trưởng thành. Mong cha và đồng đội an yên nơi biển cả, trong niềm tự hào và tình yêu của con và tất cả mọi người.”
Lặng nhìn những cánh hạc giấy, những bông cúc vàng bồng bềnh trên sóng nước Trường Sa dần rời xa tàu và chìm vào bóng đêm trên biển, chị Liên nén sự xúc động chia sẻ: “Chuyến hải trình này có thể coi như một chuyến đi của cuộc đời, giúp tôi có thêm động lực để sống tốt hơn, xứng đáng với tình yêu về người cha đáng kính của mình.”
Không chỉ chị Liên, với tất cả những đại biểu của Đoàn công tác số 12, chuyến công tác thăm các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển Trường Sa sẽ là những dấu ấn mãi mãi không phai mờ trong tâm trí mỗi người.
Chuyến hải trình đầy ý nghĩa đã rung động đến mỗi trái tim, giúp mỗi người thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị của sự bình yên cuộc sống hôm nay. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, một người đã kinh qua biết bao hiểm nguy, chứng kiến nhiều nỗi đau và sự khốc liệt của sự mất mát, không giấu được sự xúc động chia sẻ: “Tôi đã trào nước mắt khi được dự lễ chào cờ, lễ dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự kiên trung bất khuất của các thế hệ cha, anh giữ biển, đảo và so với những cán bộ, chiến sỹ hôm nay ngày đêm canh gác bảo vệ vùng hải đảo quê hương mới thấy việc làm của mình thật nhỏ bé. Những con người tôi gặp trên chuyến hải trình này sẽ trở thành động lực, tiếp sức mạnh mẽ để tôi tiếp tục vượt qua hiểm nguy, không sờn lòng trước mọi thử thách.”
Không chỉ với anh Thành, chị Liên, những đại biểu đã từng đến thăm quân và dân Trường Sa thường coi mình là người may mắn và có cơ duyên đến với vùng biển đảo xa xôi này, được chứng kiến và thấu cảm với cuộc sống còn nhiều khó khăn mà anh dũng của quân và dân Trường Sa, nơi mà từng hạt cát, ngọn cỏ, sóng nước ven đảo đều thấm đẫm mồ hôi và cả xương máu của bao thế hệ những người con đất Việt.
Nơi các chiến sỹ đã và đang ngày đêm giữ chắc tay súng bảo vệ, gìn giữ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của đất mẹ giữa Biển Đông ngàn trùng sóng vỗ. Sau khi đến với Trường Sa, trở về với đất liền, những ký ức về Trường Sa, nỗi nhớ Trường Sa không chỉ tiếp thêm niềm tin yêu về biển đảo quê hương cho mỗi thành viên trong Đoàn, mà còn là động lực phấn đấu cho mọi người, nỗ lực sống xứng đáng với những hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước vì sự hòa bình, hạnh phúc của nhân dân./.
Mang hơi ấm đất liền tới huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9
Đoàn công tác số 16 đã đến thăm, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DKI/9.