Chăm sóc thú cưng một ngành công nghiệp tỷ USD tại Trung Quốc

Số lượng chó cảnh ở Trung Quốc tăng lên 27,4 triệu con, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil, nên đã tạo ra một ngành công nghiệp "hái ra tiền" tại quốc gia châu Á này.
Chăm sóc thú cưng một ngành công nghiệp tỷ USD tại Trung Quốc ảnh 1Khách tham quan ngắm những chú chó cưng được trưng bày tại một hội chợ ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chất lượng cuộc sống được nâng cao trong những năm gần đây đã khiến nhiều người dân Trung Quốc có thêm sở thích nuôi động vật trong nhà, gọi chung là thú cưng.

Một nghiên cứu thị trường được Hiệp hội các sản phẩm thú cưng Mỹ công bố ngày 8/2 cho thấy sở thích nuôi thú cưng đang trở thành một xu hướng thịnh hành tại các thành phố lớn của Trung Quốc, qua đó tạo ra một ngành công nghiệp "hái ra tiền" tại quốc gia châu Á này.

Theo nghiên cứu, số lượng chó cảnh tại Trung Quốc cũng tăng lên 27,4 triệu con, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil.

Số lượng vật nuôi tăng mạnh đã kéo theo sự bùng nổ của thị trường dịch vụ cho thú cưng.

Theo đó, hiện có hơn 30.000 cửa hàng dịch vụ chăm sóc thú cưng được mở tại các thành phố lớn của Trung Quốc, cao gấp 3 lần so với con số này tại Mỹ.

Vào thời điểm diễn ra Lễ hội mùa Xuân, các cửa hàng chăm sóc thú nuôi lại được dịp "kiếm bộn tiền" khi nhu cầu gia tăng mạnh.

Cụ thể, người mua sẽ phải chi 40-60 nhân dân tệ/ngày ( tương đương 6-9 USD) để chăm sóc và trông nom một chú chó cưng.

Thậm chí, việc chăm có một chú chó lớn cũng có giá lên tới gần 100 ​nhân dân tệ/ngày (khoảng 14,6 USD).

Ước tính, giá trị của thị trường chăm sóc thú cưng tại Trung Quốc đã lên tới 97,9 tỷ ​nhân dân tệ (tương đương 14,2 tỷ USD), trong đó đồ ăn cho vật nuôi và dịch vụ chăm sóc hàng ngày đang là những mảng kinh doanh "ăn nên làm ra" nhất.

Các chuyên gia nhận định việc thị trường chăm sóc thú cưng nở rộ cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể.

Họ cho rằng cùng với thu nhập hộ gia đình và kiến thức chăm sóc thú cưng tăng cao, các sản phẩm và dịch vụ mới như các bộ cánh bắt mắt và bảo hiểm cho vật nuôi cũng đang ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.