Chặn đà “phi mã” của COVID-19 - biện pháp “truyền thống” là chưa đủ

Về lâu dài, để chặn đà bùng nổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp căn cơ, hiệu quả cần được ưu tiên.
Chặn đà “phi mã” của COVID-19 - biện pháp “truyền thống” là chưa đủ ảnh 1Lực lượng chức năng lấy mẫu tầm soát dịch COVID-19 tại chợ Bình Điền. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo số liệu mới nhất do Bộ Y tế công bố, trong ngày 6/7 Việt Nam ghi nhận 1.029 ca mới mắc COVID-19.

Trước đó, vào ngày 5/7 nước ta đã vượt qua “mốc” không mong muốn - 20.000 ca bệnh COVID-19 (chính xác là 21.035 người) tính từ đầu dịch và cũng lập “kỷ lục buồn” là có số trường hợp mắc mới cao nhất từ trước đến nay, vượt con số 1.000 (chính xác là 1.102 ca). 

Giữa diễn biến của dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới có một điểm chung rõ rệt là đều liên quan đến chủng Delta, biến thể mới của SARS-CoV-2.

Hiểu đúng về Delta

Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới từng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Nhưng biến thể Delta, Delta Plus của SARS-CoV-2 đã làm thay đổi màu sắc của bức tranh khá tươi tắn này. 

Những thay đổi về bản chất trên bộ gene của virus được gọi là “biến thể” (variant).  Sau khi biến đổi thì có những biểu hiện cụ thể, rõ ràng thì trở thành “biến chủng” (mutant), khác với chủng ban đầu. Khi đã là “biến chủng” thì virus được các nhà khoa học đặt tên mới. 

Vào thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp 4 biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ vào nhóm đáng lo ngại. Tên gọi cũ ghép “tên quốc gia” tạo tâm lý kỳ thị nên tên mới được đặt theo ký hiệu - Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu. Delta hiện có mặt ở 90 quốc gia. Delta Plus (một dạng biến thể của Delta và có khả năng sẽ gây nguy hại hơn) đã xuất hiện tại 10 quốc gia.

Còn Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu cảnh báo, số người nhiễm biến thể Delta có thể chiếm tới 90% tổng số ca mới mắc COVID-19 ở châu lục này vào tháng 8 tới.

[Chống dịch COVID-19 quyết liệt và mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn]

Theo Công ty Truyền thông Hoa Kỳ - ABC, biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ trong năm nay có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với loại virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019  hay biến thể xuất hiện tại Anh (Alpha) vào năm 2020.

Các chuyên gia về dịch tễ học cho rằng tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha vốn đã có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với virus đầu tiên được tìm thấy ở Vũ Hán.

Giáo sư Stuart Turville, nhà virus học tại Viện Kirby, cho biết: “So với chủng ban đầu, chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn hai lần."

Tỷ lệ tấn công thứ cấp (số người có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu họ tiếp xúc với người bị bệnh), cũng cao hơn. Cứ 100 người tiếp xúc với người bị nhiễm Delta thì 12 người trong số đó có khả năng bị lây nhiễm. Với chủng Alpha, tỷ lệ này là 8-9 người. 

Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về biến thể Delta, nhưng các triệu chứng của nó khác với virus "gốc." Trước đây, sốt, ho dai dẳng, mất vị giác hoặc khứu giác là những triệu chứng hàng đầu cần lưu ý, nhưng với Delta, đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó là đau họng, sổ mũi và sốt.

Những triệu chứng bệnh nặng như mất khứu giác và khó thở ít phổ biến hơn, thay vào đó, mọi người có các triệu chứng giống với cảm lạnh thông thường hơn như sổ mũi, đau họng, những người không được tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể bị sốt. 

Theo Giáo sư Stuart Turville, dường như mức độ nghiêm trọng ở những người mắc biến thể Delta thấp hơn các biến thể khác.

Giáo sư cho biết: “Trong 28 ngày sau khi nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong khi mắc các biến thể trước là 1,9%, còn tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể Delta theo con số thống kê là 0,3%.” Tuy nhiên, cần có thêm thời gian và số liệu để khẳng định chắc chắn rằng Delta “lành” hơn. 

Cũng theo ABC, vaccine phòng COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca được sử dụng tại Australia đều có khả năng bảo vệ con người chống lại biến thể Delta.

Dữ liệu của Public Health England cho thấy, sau tiêm hai liều vaccine, hiệu quả chống lại biến thể Delta đạt 79% (ở chủng Alpha là 89%). Mặt khác, hiệu quả của vaccine đối với chủng Delta ở người bị nặng là 96% so với 93% ở chủng Alpha. 

Tiến sỹ Kylie Quinn tại Đại học RMIT (Australia) khẳng định: “Các loại vaccine là những công cụ thực sự mạnh mẽ, là sự hỗ trợ tuyệt vời cho các phương pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Điều chỉnh cách thức chống dịch 

Theo ông Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, do SARS-CoV-2 biến đổi nên cách thức cách ly phòng dịch cũng cần thay đổi. Ông cho rằng việc cách ly tại các khách sạn là thiếu hiệu quả trong thời điểm hiện tại do biến thể Delta dễ lây và lây lan nhanh hơn nhiều.

Biến thể Delta cũng dễ gây lây nhiễm chéo trong khu cách ly được xây dựng, bố trí theo cách thức cũ.

Tính đến điều này, cũng như do số lượng người được cách ly tăng cao, Bộ Y tế Việt Nam đã tính đến phương án cách ly các trường hợp F1 tại nhà. 

Chặn đà “phi mã” của COVID-19 - biện pháp “truyền thống” là chưa đủ ảnh 2 Lực lượng chức năng của tỉnh Hà Nam tiến hành lập chốt phong tỏa thôn 4, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng - nơi ở của bệnh nhân. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Ngày 6/7, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 710  ca mắc COVID-19, liên tục đứng đầu về ca bệnh mới so với các địa phương trong cả nước.

Trước đó, từ ngày 27/6, Bộ Y tế, cho biết đơn vị này đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế yêu cầu nơi cách ly phải là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập), có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình (nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế).

Cạnh phòng cách ly phải có một phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe cho người bệnh. Không được dùng điều hòa trung tâm mà dùng điều hòa riêng. 

Người được cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương là không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi…  

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu có điều kiện thì tốt nhất là chuyển toàn bộ người ở cùng nhà không thuộc đối tượng phải cách ly sang ở nhà (khu vực) khác.

Nếu không chuyển sang ở nhà (khu vực) riêng biệt khác thì người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường chỉ cho phép đúng đối tượng được thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định; tổ chức quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly.

Hiện tại, các biện pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch theo phương thức truyền thống cũng như Chỉ thị 10 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được áp dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới thành phố cũng đã kịp thời có quyết định mở rộng việc xét nghiệm SARS-CoV-2 ra toàn thành phố nhằm tìm kiếm các ca F0 trong cộng đồng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine.  

Trong quá trình chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã có các điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tùy theo tình hình thực tế từ ngày 26/5 đến 26/6, chỉ có hơn 1,1 triệu mẫu được xét nghiệm, tập trung những nơi có nguy cơ cao.

Từ ngày 26/6 thành phố thay đổi chiến lược xét nghiệm, mở chiến dịch 10 ngày, lấy mẫu xét nghiệm gộp cho hơn 5 triệu người tại một số quận, huyện có nhiều ca nhiễm với 2 bước (ngày 26-30/6 lấy mẫu tại Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn; từ ngày 1-5/7 lấy mẫu tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện còn lại). Đến ngày 28/6, thành phố mở rộng việc xét nghiệm cho toàn bộ người dân. 

Ngày 4/7,  Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức lại quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 và quy trình điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca mắc COVID-19.

Cụ thể, quy trình xét nghiệm sẽ do một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo chung; một Phó Giám đốc Sở Y tế quản lý chung; một Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE (trang thiết bị bảo hộ cá nhân), vật tư tiêu hao, điều phối mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm.

Các đơn vị hỗ trợ gồm các bệnh viện trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng. Trung tâm Y tế của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có trách nhiệm tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 phải trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, các mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.

Các cơ sở xét nghiệm SARS-Co-V2 có nhiệm vụ xét nghiệm cho quận huyện, trong đó mẫu tầm soát cộng đồng được trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1, nghi là F1 - trong 6-10 giờ; mẫu F2, người được cách ly - trong 24 giờ.

Sở Y tế đề xuất 5 bước cơ bản trong việc điều tra dịch tễ gồm: Xác định các “mốc dịch tễ”; tập trung điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.

Trong kết luận ngày 6/7 tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy phải vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị."

Về lâu dài, để chặn đà bùng nổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp căn cơ, hiệu quả cần được ưu tiên.  

Theo hãng thông tấn Nga RIA, Viện Gamaleya - nơi đang sản xuất vaccine Sputnik V của Liên bang Nga, cho biết vaccine này đạt hiệu quả khoảng 90% trong việc chống lại biến thể Delta. 

Kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) thực hiện và công bố trên tạp chí Cell cho thấy, vaccine COVID-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) cũng có hiệu quả cao - hơn 90%, để chống lại biến thể Delta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục