Từ ngày 21-24/3, đoàn công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, làm trưởng đoàn, ở thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc.
Trọng tâm của chuyến công tác là cuộc hội đàm với ban lãnh đạo Tòa án Tối cao Séc diễn ra tại thành phố Brno. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và ông Pavel Šámal, Chánh án Tòa án Tối cao Séc, đã trao đổi về hoạt động, cơ cấu tổ chức và kinh nghiệm thực thi công vụ của Tòa án Tối cao của hai nước.
Chánh án Tòa án Tối cao hai nước đã nhất trí về bốn trọng điểm hợp tác giữa hai Tòa án Tối cao, gồm trao đổi các đoàn cấp cao của Tòa án Tối cao của hai nước, hợp tác bồi dưỡng, đào tạo thẩm phán, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tổ chức bộ máy, tổ chức công tác xét xử, và phối hợp trao đổi thông tin trong việc giải quyết các vụ án cụ thể liên quan tới người Việt tại Séc cũng như liên quan tới các doanh nhân Séc tại Việt Nam.
[Tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng]
Chánh án Tòa án Tối cao Séc Pavel Šámal hoan nghênh chuyến thăm làm việc của đoàn công tác Tòa án Nhân dân Tối cao, cùng quan điểm với phía Việt Nam rằng quan hệ trên tinh thần thiện chí giữa Tòa án Tối cao hai nước đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đặt ra và lợi ích của công dân Việt Nam tại Séc và công dân Séc tại Việt Nam.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Pavel Šámal đều nhất trí đánh giá rằng việc hợp tác giữa Tòa án Tối cao của Việt Nam và Séc có vai trò quan trọng trong việc việc tương trợ tư pháp giữa hai nước, đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương nhiều mặt.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đầu tư của Cộng hòa Séc tại Việt Nam ngày càng tăng thêm và sự trao đổi công dân giữa hai quốc gia ngày càng được tăng cường, lao động người Việt sang Séc cũng nhiều lên, du lịch trao đổi giữa Việt Nam cũng bắt đầu đặt ra và ngày càng ổn định. Các hoạt động kinh tế-xã hội như vậy đặt ra nhu cầu phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt tại Séc cũng như các doanh nghiệp hai nước tại Séc và Việt Nam. Chính vì vậy, chuyến công tác của đoàn lần này nhằm đặt ra sự hợp tác giữa tòa án hai nước để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Trong phương hướng hợp tác, hai bên cũng đã thống nhất về các khía cạnh cụ thể.
Trong thời gian ở thăm làm việc tại Séc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Đại sứ Hồ Minh Tuấn đã báo cáo về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Séc, về những đóng góp của Đại sứ quán Việt Nam trong thành tích chung của ngành ngoại giao. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thông báo về tình hình thời sự trong nước, hoan nghênh những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán trong thời gian qua, động viên anh chị em tiếp tục cố gắng để đưa mối quan hệ Việt-Séc ngày càng phát triển.
Đoàn công tác Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam cũng đã tới dự cuộc họp của Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Séc. Nói chuyện với 101 ủy viên Ban chấp hành Hội Người Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khen ngợi cộng đồng người Việt ở Séc là "cộng đồng mẫu mực," giành được sự tôn trọng của các chính khách và người dân nước sở tại, căn dặn Hội Người Việt Nam tiếp tục định hướng, tư vấn, giúp đỡ để bà con luôn hướng về quê hương, hội nhập tốt với xã hội Séc và tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải tỏa những băn khoăn, trăn trở của đại diện cộng đồng người Việt tại Séc về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có chủ quyền lãnh hải, hải đảo.
Về vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự Việt-Séc, vấn đề được cộng đồng Việt Nam tại Séc hết sức quan tâm, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Giữa hai nước cũng đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đây là nền tảng pháp lý để chúng ta phối hợp trong việc giải quyết những vụ án hình sự. Trước mắt, chúng tôi nhận thấy hiệp định này đã được ký kết và đang có tác dụng cho nên sẽ là cơ sở pháp lý cho sự hợp tác này. Còn trong tương lai, cùng với sự mở rộng các hoạt động trao đổi công dân, đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội thì hai bên sẽ đánh giá lại có cần thiết phải có một hiệp định tương trợ tư pháp hình sự mới thay thế hay không."
Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây đã được ký kết vào năm 1982. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định bị gián đoạn từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước do sự thay đổi thể chế tại Séc. Để nối lại việc tương trợ tư pháp, trong nhiều năm qua hai nước đã có nhiều cuộc đàm phán, trao đổi ở nhiều cấp khác nhau. Mới đây nhất, từ ngày 23-25/10/2017, vòng một đàm phán về Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Séc đã diễn ra tại thủ đô Praha. Mặc dù hệ thống tư pháp của Việt Nam và Séc có nhiều điểm không tương đồng, lợi ích và mục đích đặt ra ở mỗi quốc gia có một số điểm không tương đồng, song hai đoàn đàm phán đã thống nhất được về cơ bản các điều khoản chung của Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Séc, tạo cơ sở cho việc đàm phán vòng hai tại Việt Nam trong năm 2018./.