Chất lượng không khí ở thủ đô Ấn Độ xuống cấp do đốt rơm rạ và pháo

Việc nông dân đốt rơm rạ tại các bang Haryana và Punjap gần thủ đô tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đến chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận.
Chất lượng không khí ở thủ đô Ấn Độ xuống cấp do đốt rơm rạ và pháo ảnh 1Khói mù trên đường phố New Delhi. (Nguồn: PTI)

Không khí tại thủ đô Ấn Độ tiếp tục ô nhiễm trầm trọng do khói dày đặc và thời tiết không có gió đã gây ra lại lớp khói mù khiến không khí trở nên ngột ngạt và ô nhiễm.

Việc nông dân đốt rơm rạ tại các bang Haryana và Punjap gần thủ đô tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đến chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận.

[Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong sớm tại châu Âu]

Sáng 30/10, bầu trời Delhi tiếp tục xám xịt với chất lượng không khí nằm trong khoảng từ "rất xấu" và "nguy hiểm" và chỉ số chất lượng không khí chung (AQI) trên 400, được xem là "nguy hiểm."

Ô nhiễm gây ra bởi đốt pháo trong dịp lễ Deepawali ngày 27/10 đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Tình hình có thể không khả quan trong vài ngày tới do thời tiết không có thay đổi.

Theo cơ quan theo dõi chất lượng không khí, Hệ thống nghiên cứu và dự báo thời tiết và chất lượng không khí (SAFAR) thuộc Bộ Khoa học trái đất, mức bụi mịn PM 2.5, là các hạt vật chất nhỏ hơn 2,5 micron, có thể thâm nhập sâu vào phổi, ở khu vực đại học Delhi ở phía Bắc Delhi, cao gấp 12 lần mức "tốt" là 0-60.

Vào 8 giờ sáng giờ địa phương, AQI chung của Delhi là 422, tồi tệ hơn mức 414 của ngày 29/10.

Chất lương không khí tại thành phố Noida gần thủ đô, thuộc bang Uttar Pradesh ở miền Bắc không tốt hơn với AQI đứng ở mức 270 vào sáng 30/10.

AQI từ 0-50 được xem là "tốt," từ 51-100 là "tạm được," từ 101-200 là "trung bình," từ 201-300 là "xấu," từ 301-400 là "rất xấu" và từ 401-500 là "nguy hiểm." Trên 500 là mức "khẩn cấp trên nguy hiểm."

AQI càng cao thì mức ô nhiễm không khí càng cao và quan ngại về sức khỏe càng lớn.

Trong suốt ngày 29/10, ánh sáng Mặt Trời vẫn mù mờ do bụi mù bao phủ không khí Delhi và các khu vực lân cận, với chất lượng không khí tụt xuống mức "nguy hiểm."

Trong số 37 trạm theo dõi chất lượng không khí của thủ đô, 26 trạm ghi nhận AQI ở mức "nguy hiểm" trong ngày 29/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục