Cùng với chiến lược về Xúc tiến thương mại thì mẫu mã, chất lượng hàng hóa xuất khẩu... là yêu cầu hàng đầu để có thể đưa hàng Việt vào các chuỗi siêu thị nước ngoài mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian.
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, khi nói về việc quảng bá thương hiệu Việt, nhất là tại thị trường nước ngoài.
[Nhiều hợp đồng triệu USD được ký kết tại hội chợ Sial Paris 2018]
- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để giúp hàng Việt có thể đưa vào kênh phân phối nước ngoài thành công?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Ở góc độ doanh nghiệp, phương pháp mà chúng tôi đưa được tới các thị trường khó tính nhất đó là phải đầu tư công nghệ hiện đại, cùng với đó là nguồn nhân lực có trình độ để vận hành các thiết bị đó.
Cùng với đó, vấn đề kiểm soát An toàn thực phẩm phải được thực hiện rất khắt khe, bản thân doanh nghiệp phải lựa chọn những sản phẩm đầu vào không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người lao động. Thực tế này đã được các nhà nhập khẩu kiểm định và đánh giá tận nơi sản xuất nhằm xem sản phẩm khi ra đời có đạt các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra hay không.
Bản thân doanh nghiệp cũng phải xây dựng các kênh phân phối, siêu thị và đại lý, để đưa sản phẩm của doanh nghiệp vào kênh phân phối của nước ngoài và bảo hộ các thương hiệu đó trên thị trường.
- Vậy, ông có lời khuyên gì, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cũng rất lớn.
Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài thường nổi trội hơn chúng ta về tài chính, thương hiệu của họ cũng lâu năm và kênh phân phối đã có sẵn, thậm chí các công ty mẹ thường là các tập đoàn lớn đứng sau đã hỗ trợ rất nhiều, do vậy doanh nghiệp của chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Những áp lực đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm ra chiến lược và con đường đi riêng. Vì doanh nghiệp nước ngoài thường là những thương hiệu mạnh nên doanh nghiệp không thể đối đầu trực tiếp với họ được mà phải thực hiện chiến lược "vết dầu loang" để làm sao ngấm vào người tiêu dùng, dần dần thông qua đó khách hàng sẽ truyền bá thông tin và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Thậm chí, doanh nghiệp cũng phải tận dụng từ những thị trường ngách, tức là đi từ những thành phố nhỏ, rồi tiến tới mở rộng ra các thành phố lớn, ngấm dần để nâng cao thị phần cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, yếu tố cốt lõi trong việc cạnh tranh vấn là chất lượng tốt, giá thành hạ, mẫu mã đẹp và chính sách phân phối phù hợp.
- Sau gần 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, từ góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Cuộc vận động này?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Tôi đánh giá rất cao Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thông qua Cuộc vận động đã thổi hồn vào các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt người tiêu dùng cũng tự hào về sản phẩm của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng được máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Nhưng vấn đề đặt ra, công tác tiêu thụ sản phẩm cần đặc biệt được chú ý.
Tôi đơn cử, nhiều doanh nghiệp chỉ biết sản xuất, còn giới thiệu sản phẩm, Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm thì cần được Nhà nước hỗ trợ quan tâm, đặc biệt trong việc xây dựng ra chuỗi phân phối, các siêu thị, cửa hàng giúp doanh nghiệp sản xuất kết nối tiêu thụ hàng hóa.
Đặc biệt ở tầm vĩ mô, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chiến lược để quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam có thể vươn ra ngoài lãnh thổ.
Còn với những đơn vị sản xuất ở các khu vực nông thôn nhất là các sản phẩm thủ công, có thể nói nhiều sản phẩm rất tốt nhưng công tác tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế cũng như chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, do vậy thời gian tới rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhằm liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Thực tế, có rất nhiều sản phẩm truyền thống như Thủ công mỹ nghệ, đây là thế mạnh của nhiều địa phương, nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác và quảng bá hết được để nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm này, do vậy rất cần tạo lập các kênh phân phối, bán hàng và Xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, chiếm lĩnh thị trường.
- Xin cảm ơn ông./.