Chất lượng sống ở khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng nâng cao

Giao thông nông thôn, sản xuất nông nghiệp, hệ thống trường học, cơ sở y tế, thông tin liên lạc, nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn Hà Nội đều được nâng cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.
Trang trại nuôi lợn rừng của gia đình chị Trương Kim Hoa, ở huyện Thạch Thất mỗi năm thu lãi hơn 7 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40 lao động. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chất lượng sống ở khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng nâng cao. Đó là kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 do thành phố Hà Nội thực hiện tính đến ngày 1/7/2016, với trên 1 triệu hộ ở khu vực nông thôn và hộ tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở thành thị.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020.”

Do vậy, kết quả của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản năm 2016 rất cần thiết và hữu dụng, làm cơ sở giúp thành phố nhận diện sâu sắc hơn về lĩnh vực này, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành sao cho khoa học và hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống ở khu vực nông thôn.

Cụ thể, trong tổng số 386 xã trên toàn thành phố có đường ôtô từ trụ sở Ủy ban Nhân dân xã đến Ủy ban Nhân dân huyện, 99,92% thôn có đường ô tô đến được.

Chất lượng giao thông nông thôn cũng được nâng cấp hơn so với các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, hệ thống trường học, cơ sở y tế, thông tin liên lạc, nước sạch nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Tính đến ngày 1/7/2016, 15,03% xã có công trình cấp nước sạch tập trung (tăng 2,56%), 23,06% xã có nhà văn hóa xã (tăng 8,1%)… Đặc biệt, về y tế, 96,41% thôn trên địa bàn thành phố có nhân viên y tế (tăng 3,37% so với năm 2011).

Hà Nội có 373 bác sỹ đang làm việc trong các trạm y tế xã, đạt tỷ lệ bình quân 0,97 bác sỹ/trạm, tăng 0,04 bác sỹ/trạm so với năm 2011.

Tỷ lệ xã có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân năm 2016 là 46,11%, tăng 1,23% so với năm 2011. Số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 353 xã, đạt tỷ lệ 91,45%.

Một điểm đáng mừng nữa là cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng tích cực, giảm số nhóm hộ nông lâm nghiệp, thủy sản và tăng số lượng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Hà Nội có 3.189 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng hơn 2.100 trang trại so với năm 2011. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế ở nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 của thành phố Hà Nội có số đơn vị điều tra lớn nhất cả nước mà vẫn hoàn thành sớm điều tra so với mặt bằng chung và chất lượng điều tra đạt cao, tỷ lệ phiếu sai sót thấp, đó chính là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Dự kiến trong quý 3/2017, Tổng cục Thống kê sẽ công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 trên địa bàn cả nước./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục