Kênh kết nối cung cấp rau thịt sạch cho người dân thủ đô Hà Nội

Ban điều phối Chương trình phối hợp chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, đã tạo được các kênh kết nối cung cấp rau thịt sạch cho người dân Thủ đô.
Kênh kết nối cung cấp rau thịt sạch cho người dân thủ đô Hà Nội ảnh 1Khách chọn mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sau 1 năm thành lập và hoạt động, Ban điều phối Chương trình thí điểm phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, đã tạo được các kênh kết nối cung cấp rau thịt sạch cho người dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cũng như các tỉnh thành phố cung cấp cho Hà Nội cũng được cải thiện đáng kể.

Đó là nhận định của ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (30/12).

Ông Chu Phú Mỹ nêu rõ, thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau củ các loại… Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại; 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi và 17% quả tươi các loại…

Số thực phẩm còn lại do các tỉnh khác cung cấp cho Hà Nội (chiếm từ 40-80%) bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân ký kết tiêu thụ hoặc tự cung ứng và chủ yếu được đưa qua chợ đầu mối, chợ lẻ nên khó giám sát được chất lượng.

Do đó, sau khi thành lập, Ban điều phối đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận trong các lĩnh vực như lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; phối hợp trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trong công tác bảo vệ thực vật, quản lý thị trường và phối hợp xúc tiến thương mại.

Kênh kết nối cung cấp rau thịt sạch cho người dân thủ đô Hà Nội ảnh 2Dây chuyền giết mổ gia súc tại nhà máy. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường giữa các đơn vị ban ngành cũng đã kịp thời ngăn chặn và hạn chế được những sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá, thông qua chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã làm tốt tổ chức và kết nối truyền thông quảng bá các sản phẩm an toàn.

“Nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của Ban điều phối là cần kết nối người tiêu dùng với nông sản an toàn đồng thời nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn và tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các tỉnh có nhiều sản phẩm cung cấp cho Hà Nội ở các tỉnh thành trên cả nước,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NAFIQAD) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội và các địa phương tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quy định về tiêu chí đặc thù đối với sản phẩm nông sản đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội trong năm tới./.

Hiện nay, các nông sản thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội gồm: Chuỗi rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La, được phân phối tại hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh tại Hà Nội.

Tại Hà Nội đã hình thành được 3 chuỗi tiêu thụ rau an toàn gồm: Chuỗi tiêu thụ rau hữu cơ của Công ty Tâm Đạt, Công ty Home foor, Công ty nông sản ngon, Công ty Vin Gap; chuỗi tiêu thụ rau của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á và chuỗi tiêu thụ rau của Công ty trách nhiệm hữu hạn Aki Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.