Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết được lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tại Hội thảo quốc tế: “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức sáng nay (17/12), tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay, nông nghiệp luôn là nội dung then chốt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tính đến năm 2014, Việt Nam đã ký kết hơn 200 thỏa thuận hợp tác, hiệp định với các vùng và lãnh thổ, các tổ chức nhằm thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng và duy trì tốc độ ổn định từ 3-4%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn xuất siêu, góp phần cân đối cán cân thương mại và liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 lên 30,8 tỷ USD năm 2014.
Việt Nam hiện có 10 mặt hàng nông, lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và đứng đầu về xuất khẩu nhiều mặt hàng như càphê, gạo, hồ tiêu, điều…
“Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến nâng cao vị thế cạnh tranh, các vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trình độ công nghệ sản xuất, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu mới,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khi hội nhập, hầu hết các ngành hàng như rau quả, thủy sản, chăn nuôi, mía đường… đều hưởng lợi do mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng những lợi thế này để chuyển hóa thành lợi ích.
“Vấn đề tồn tại của các ngành hàng nông nghiệp chủ yếu đến từ công nghệ chế biến còn thấp, luôn phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật từ các nước hay các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch… Chính những yếu tố này khiến cho nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự có bước đột phá,” ông Thắng cho hay.
Tiến sỹ Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho cũng rằng, tham gia hội nhập, ngành chăn nuôi sẽ được tiếp cận nhanh hơn các khoa học công nghệ, giống vật nuôi mới, sản xuất tiên tiến. Khi thuế xuất về 0%, ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, trang thiết bị, góp phần giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi…
"Tham gia hội nhập quốc tế, về lâu dài có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế xuất khẩu như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, trứng vịt muối, mật ong do cắt giảm thuế quan. Ngành chăn nuôi cũng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao," tiến sỹ Trúc nói.
Để tận dụng lợi thế của quá trình hội nhập, các đại biểu cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần phát triển mô hình chuỗi nông sản an toàn vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng khả năng cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, chống hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Bên cạnh việc sử dụng hàng rào kỹ thuật và biện pháp vệ sinh dịch tễ đối với sản phẩm nhập khẩu, cần có một đạo luật mới về thuế để phòng vệ thương mại, cần bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…).
Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường trao đổi khoa học công nghệ giữa các nước, tận dụng cơ hội hội nhập để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến về giống, lai tạo, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản,… đồng thời tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp các nước, xây dựng mạng lưới thông tin, thương mại ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia./.