Chất thải nhà máy tràn ra suối, người dân đổ xô đi vớt cá chết

Bể chứa chất thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn bị vỡ khiến hàng chục km suối Nậm Núa chuyển màu, bốc mùi hôi thối và ngập cá chết song lại thu hút người dân quanh vùng đổ xô đi vớt cá.
Chất thải nhà máy tràn ra suối, người dân đổ xô đi vớt cá chết ảnh 1Bể chứa chất thải của nhà máy chế biến bột sắn của Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp- Điện Biên bị vỡ. (Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN)

Rạng sáng 15/1, bể chứa chất thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên (bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) bị vỡ.

Sự cố này đã khiến hàng trăm m3 chất thải từ bể chứa chảy trực tiếp xuống dòng suối Nậm Núa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nước suối chuyển màu đen, có mùi hôi thối, đe dọa đến môi trường thủy sinh trên suốt chiều dài hàng chục km của suối Nậm Núa từ xã Núa Ngam đến lòng hồ thủy điện Nậm Núa (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên).

Trên chiều dài hàng chục km của suối Nậm Núa đã xảy ra tình trạng nhiều loài cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt nước. Người dân địa phương và khu vực lân cận đổ xô về đây để bắt, vớt cá.

[Bắt quả tang cơ sở tái chế dầu nhớt xả thải trực tiếp ra môi trường]

Ghi nhận của phóng viên TTXVN vào sáng 15/1, trên dọc chiều dài hơn chục km của suối Nậm Núa chảy qua địa bàn 2 xã Hẹ Muông và Núa Ngam (huyện Điện Biên), nước suối trở nên đục ngầu, bọt kết váng nổi hai bên bờ suối.

Đáng lo ngại là các loại thủy sinh lớn nhỏ, cá sinh sống trong suối bị chết nổi trắng. Hàng trăm người dân trên địa bàn và một số xã, bản lân cận đã đổ dồn về để thu lượm, vớt cá chết.

Anh Cút Thành Biên, người dân bản Ten Núa, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cho biết: "Từ sáng sớm người dân đã thấy cá nổi lên theo dòng nước. Cá nhỏ, cá to đều chết. Nước ô nhiễm, đen ngòm và bốc mùi hôi thối nên cá không thể sống sót."

Chất thải nhà máy tràn ra suối, người dân đổ xô đi vớt cá chết ảnh 2Người dân đổ xô đi bắt, vớt cá trên suối Nậm Núa. (Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN)

Ông Lò Văn Chung, bản Yên, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cho biết thêm, hiện tượng cá chết hàng loạt và nước suối đổi màu đã khiến nhiều người dân trên địa bàn rất lo lắng bởi đây là dòng suối cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hầu hết ruộng đồng của bà con.

Ngoài ra nước suối Nậm Núa còn được nhân dân các thôn, bản sinh sống dọc con suối sử dụng để chăn nuôi, lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, phục vụ một số nhu cầu sinh hoạt đời thường của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn lân cận.

Sau khi nhận được thông tin về tình trạng trên, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Điện Biên), Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, các phòng, đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước suối xét nghiệm và tạm đình chỉ hoạt động của nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Cùng với đó, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên ngừng việc thu mua sắn củ. Sau quá trình kiểm tra thực địa và làm việc với Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên, cơ quan chức năng xác nhận, hàng trăm khối chất thải chảy ra suối Nậm Núa từ bể chứa chất thải của nhà máy chế biến bột sắn của công ty chưa qua hệ thống xử lý, chứa trong bể đất được đào thô sơ, thủ công. Nhà máy chưa xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải, vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính và cơ sở vật chất.

Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Điện Biên cho biết vào ngày 11/1, Phòng Cảnh sát Môi trường cũng đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường kiểm tra việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên. Qua kiểm tra, Công ty này chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải nên lực lượng chức năng yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục trước khi đi vào hoạt động.

Theo ông Cao Đăng Nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Núa Ngam, trước sự cố này, xã tổ chức tuyên truyền cho người dân không nên chăn thả gia súc, gia cầm. Còn về sản xuất nông nghiệp, nông dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước đang bị ô nhiễm, không nên cho vào ruộng đồng.

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, khẳng định sẽ kiên quyết yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là hoàn thiện dự án, thủ tục đất đai, cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Sai phạm của Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên là đã không thực hiện đúng quy trình khi tự ý đào những hố chứa giáp suối Nậm Núa, hoạt động xả thải không qua hệ thống xử lý và các hệ thống bể chứa lắng, lọc mà thải trực tiếp ra môi trường; công ty hoạt động vào ban đêm và chất thải vượt quá giới hạn nên đã gây vỡ bờ bể chứa đào thủ công.

Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan và các xã trong vùng ảnh hưởng giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục