Ngừng vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến mủ cao su APT

Nhà máy chế biến mủ cao su APT đóng tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, đã ngừng hoạt động vận hành thử nghiệm để khắc phục tồn tại về bảo vệ môi trường.
Ngừng vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến mủ cao su APT ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sáng 11/1, ông Trương Đạt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cho biết Nhà máy chế biến mủ cao su APT (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ thương mại An Phú Thịnh) đóng tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, đã ngừng hoạt động vận hành thử nghiệm.

Trước đó, ngày 9/1, TTXVN và nhiều cơ quan báo chí đã phát hiện và có thông tin phản ánh việc Nhà máy chế biến mủ cao su APT vẫn hoạt động dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Thông báo số 05/TB-UBND, yêu cầu nhà máy dừng hoạt động vận hành thử nghiệm từ ngày 5/1.

Ngay khi được báo chí phản ánh, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Kon Tum (gồm đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy, Ủy ban Nhân dân xã Sa Nhơn) đã tới hiện trường làm việc.

Theo biên bản làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành tại thời điểm kiểm tra (chiều 9/1), Nhà máy vẫn hoạt động sản xuất, chế biến mủ cao su đối với dây chuyền chế biến mủ tạp; nguyên liệu mủ tạp đang được tập kết trong kho nguyên liệu với khối lượng 500 tấn; không có nước thải xả ra môi trường.

[Một nhà máy mủ cao su ở Kon Tum bị dừng hoạt động vì gây ô nhiễm]

Đoàn liên ngành đã yêu cầu doanh nghiệp dừng vận hành thử nghiệm Nhà máy, tổ chức khắc phục các tồn tại và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép đưa Nhà máy vào vận hành; dừng xả thải ra môi trường khi chưa có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và không được đưa Nhà máy vào hoạt động sản xuất khi chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Theo lý giải của chủ đầu tư, việc Nhà máy còn hoạt động là do chưa nhận được thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ thương mại An Phú Thịnh nghiêm túc thực hiện việc khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy theo Thông báo số 05/TB-UBND; giao Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy và Ủy ban Nhân dân xã Sa Nhơn theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của Công ty. Nếu phát hiện Nhà máy vẫn hoạt động sản xuất, xả nước thải ra môi trường thì báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Trước đó, năm 2017, Nhà máy chế biến mủ cao su APT bị phát hiện có nhiều sai phạm trong quá trình vận hành thử nghiệm như chưa báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư; bổ sung dòng thải phát sinh mà không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (nước làm mát, nước ngấm từ các hồ xử lý nước thải do một số vị trí bị nứt); tự ý tổ chức vận hành dây chuyền sản xuất mủ tạp trong khi chưa đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất; cho nhà máy hoạt động thử nghiệm khi hết thời gian đăng ký; không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; chưa chấp hành các chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh về đầu tư hệ thống xử lý nước thải loại A và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.