Mở đầu phiên chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân thành phố khóa IX, sáng 9/12, nhiều đại biểu đã tập trung chất vấn ngay vào vấn đề chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường ở trên địa bàn.
Có phải là thành phố ô nhiễm nhất?
Theo đại biểu Minh Trí, có ý kiến nhận định rằng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố ô nhiễm nhất cả nước và khu vực. Theo đó, đại biểu Minh Trí đề nghị Sở đánh giá tổng thể về chất lượng không khí, nước, tiếng ồn… và có giải pháp như thế nào để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho biết nhằm nắm bắt tình hình ô nhiễm không khí, thành phố có 4 trạm quan trắc để đánh giá. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Quang Thắng, số lượng trạm quan trắc này vẫn chưa đủ để quản lý ô nhiễm trên toàn thành. “Nếu mang tính đại diện phải cần trên 10 trạm quan trắc mới ý nghĩa,” đại biểu Thắng đề xuất.
Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, vấn đề môi trường cần được nhận diện và đánh giá chính xác. Thành phố hiện có 327 điểm đặt trạm quan trắc bằng phương thức thủ công.
Việc xây dựng các trạm quan trắc tự động đang được thành phố ghi vốn đầu tư. Đến cuối năm 2019, thành phố đã vận hành thử 6 trạm tự động, trong tổng số 58 trạm dự kiến sẽ được đầu tư.
Các trạm quan trắc tự động sẽ thực hiện quan trắc tất cả các lĩnh vực như nước, không khí, sụt lún… để đưa ra các thông số về môi trường. Các thông tin này được cung cấp cho người dân thông qua các các bảng tin giao thông, các phương tiện khác; đồng thời được chuyển tới đơn vị giám sát theo dõi xử lý trong trường hợp có vấn đề bất thường xảy ra.
“Hiện trạm quan trắc tự động còn ít nên thông số công bố có lệch so với thực tế. Sắp tới, các trạm tự động còn lại khi đưa vào vận hành sẽ chính xác, cập nhật hơn,” ông Thắng cho biết.
Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh không thể buông lỏng việc quan trắc chất lượng môi trường. Vừa qua ở thành phố, có hiện tượng mù quang hóa, gọi là hiện tượng ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng.
Cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng báo cáo do ảnh hưởng của khí thải giao thông, công nghiệp, xây dựng gây ra ô nhiễm… Do vậy, một trong những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường là cần hạn chế xả thải liên quan đến việc kiểm soát các phương tiện giao thông.
Mục tiêu 50% rác được xử lý đốt phát điện có khả thi?
Với tình trạng lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng theo tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số đang gây nhiều áp lực trong vấn đề xử lý rác thải, công nghệ đốt rác. Tại phiên chất vấn, đại biểu Vũ Thanh Lưu đề cập đến công nghệ xử lý đốt rác phát điện và việc thực hiện mục tiêu xử lý 50% số rác thải sinh hoạt thành điện năng vào năm 2020.
“Hiện thành phố có 9.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày nhưng mới có một nhà máy thì đến năm 2020 có đủ khả năng xử lý 50% rác thải để biến thành điện năng hay không? Và khi biến rác thành điện năng, tạo ra khí thải sẽ xử lý thế nào để tránh chuyển từ ô nhiễm rác sang ô nhiễm khói thải?,” đại biểu Vũ Thanh Lưu chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện phương pháp đốt rác không phát điện chiếm 21%, còn đốt rác phát điện chỉ chiếm 16%. Thành phố đã khởi công xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar.
[Thời tiết hanh khô, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí gia tăng]
Dự kiến, đến cuối năm 2019, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy nữa của Công ty cổ phần Fasco, nâng tổng số nhà máy đốt rác phát điện của thành phố lên 3 nhà máy, với công suất 4.500 tấn/ngày. Như vậy, lộ trình triển khai xây dựng nhà máy đốt rác của thành phố chỉ lệch 1-2 tháng so với kế hoạch.
Liên quan đến lo lắng của đại biểu về vấn đề ô nhiễm không khí khi chuyển sang công nghệ đốt rác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy trình chuyển đổi công nghệ rất chặt chẽ, Sở Khoa học và Công nghệ giám sát máy móc và có đề án đánh giá tác động môi trường hàng quý, hàng năm. Đồng thời, việc đốt rác diễn ra trong môi trường kín, với nhiệt độ trên 800 độ C nên không còn khí gây ô nhiễm.
Đối với vấn đề di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ông Thắng cho hay, đến nay vẫn còn 5 cơ sở ở Quận 12 chưa xử lý dứt điểm. Trong thời gian tới, đối với các trường hợp này, thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế. Hiện tất cả các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải và sẽ được kiểm tra, giám sát công tác vận hành.
“Quan điểm của thành phố là kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, không dừng lại ở việc di dời doanh nghiệp ô nhiễm hay lắp đặt hệ thống xử lý mà phải làm chặt cả kiểm soát khâu vận hành hệ thống xử lý đó như thế nào. Tuy nhiên, vẫn có hạn chế trong khâu kiểm tra, xử lý. Trong năm qua, Sở đã kiểm tra 190 cơ sở các quận huyện, trong đó có 70 cơ sở có vi phạm về vận hành hệ thống xử lý khí thải, nước thải,” ông Thắng nói.
Về việc tăng mức xử phạt hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức xử phạt theo quy định hiện tại là phù hợp. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận chỉ 4.000 trường hợp bị xử phạt mỗi năm, trong đó có tới 3.000 trường hợp là nhắc nhở, do lực lượng xử phạt còn thiếu.
Do vậy, Sở đã tiến hành phân cấp trách nhiệm địa phương để giải quyết xử phạt hiệu quả và triệt để hơn.
"73 ha rừng ở Cần Giờ vẫn còn nguyên”
Tại kỳ họp lần này, vụ việc 73ha rừng Cần Giờ bị loại bỏ khỏi quy hoạch rừng phòng hộ cũng được các đại biểu quan tâm chất. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chỉ định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ - đơn vị quản lý trực tiếp rừng phòng hộ Cần Giờ giải trình.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng,Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, tổng diện tích rừng phòng hộ và đất của huyện là 34.713ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 32.446ha, diện tích đất khác là 2.267ha. Toàn hộ diện tích đất và rừng phòng hộ Cần Giờ trước đây do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ quản lý.
Trong quá trình kiểm kê lại toàn bộ đất rừng so với năm 1995, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ có đề nghị điều chuyển một số diện tích kiểm kê trên hiện trạng, trong đó có 73ha như một số thông tin báo chí đã nêu.
Riêng ở khu vực Thạnh An có 43ha (trước đây theo kiểm kê năm 1995, khu vực này có 71ha nhưng hiện có khu dân cư xen cài đất rừng); ở An Thới Đông cũng có một số vị trí đã là khu dân cư hiện hữu xen cài từ những năm 1980, 1990 trở về trước.
“Chúng tôi có đề nghị rà soát, điều chỉnh kiểm kê diện tích rừng có 73ha này, nhưng muốn chuyển diện tích rừng phòng hộ sang mục đích khác phải theo quy định pháp luật và phải thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố. Tôi xin báo cáo quý đại biểu là 73ha rừng này vẫn còn nguyên. Quá trình chuyển phải theo trình tự thủ tục, chứ không phải cứ đề xuất chuyển là có thể chuyển được ngay,” ông Dũng khẳng định./.