Khi công nghệ phát triển nhanh, ngày càng có nhiều khía cạnh trong công việc hàng ngày được tự động hóa, thay thế bằng máy móc. Công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI đang tạo ra sự thay đổi lớn trong một số ngành, nghề. Thậm chí, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu nó có đe dọa tới việc làm của con người hay không?
Khi ChatGPT là trợ thủ đắc lực
Công việc trợ lý khiến Đặng Thị Kiều Oanh (quận Đống Đa, Hà Nội) phải đọc nhiều tài liệu Anh, Việt để chắt lọc, tổng hợp thông tin báo cáo, có những tài liệu phải mất vài ngày mới hoàn thành là bình thường. Thế nhưng từ ngày sử dụng ChatGPT, việc dịch hợp đồng vốn mất khá nhiều thời gian vì phải cẩn thận từng câu từng chữ thì hiện Qoanh có thể hoàn thành chỉ trong một ngày do ứng dụng này dịch khá nhanh và đúng ngữ pháp, chỉ cần phải kiểm tra lại.
Trong hầu hết các phần việc, Oanh đều sử dụng ChatGPT như khi cần giải thích các thuật ngữ liên quan đến các ngành, các lĩnh vực chưa hiểu hay tham khảo tóm tắt những thông tin thị trường để nghiên cứu, báo cáo.
Theo Oanh, ChatGPT còn giúp gợi ý những ý tưởng hoặc hướng dẫn lập kế hoạch, phương án trong kinh doanh, marketing và viết nội dung dưới nhiều hình thức rất sáng tạo, mạch lạc. Oanh chia sẻ ChatGPT đã trở thành một trợ thủ đắc lực giúp cho hiệu suất công việc của Oanh tăng lên đáng kể, nhờ ChatGPT mà khách hàng hài lòng với sự chuyên nghiệp và hỗ trợ nhanh chóng của cá nhân cô cũng như công ty...
Việc sử dụng ChatGPT để tăng hiệu suất công việc không chỉ là nhu cầu cá nhân mà còn đang được các doanh nghiệp quan tâm ứng dụng. Tại Công ty GMO-Z.com RUNSYSTEM, công ty này đã thử nghiệm tích hợp ChatGPT vào các công cụ sẵn có như phần mềm chat, các con BOT trong công việc. Anh Lê Vĩnh Thiện, Giám đốc Công nghệ của Công ty GMO-Z.com RUNSYSTEM cho biết việc thử nghiệm sử dụng ChatGPT nhằm đưa ra những nội dung mang tính tham khảo, từ thông tin đó hiểu và tăng tốc độ giải quyết công việc.
“Các nghiệp vụ mà ChatGPT đang cho ra kết quả tốt là tạo nội dung giới thiệu, marketing…; đưa ra các giải pháp cho các vấn đề trong lập trình IT; tóm tắt, trích xuất thông tin; trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề thường gặp trong cuộc sống…,” anh Lê Vĩnh Thiện chia sẻ.
Theo anh Lê Vĩnh Thiện, việc tích hợp ChatGPT để có một trải nghiệm thông suốt mà không cần dùng các dịch vụ bên ngoài hệ thống sẽ giúp nhân viên trong công ty tập trung hơn, có thêm nhiều thời gian hơn để xử lý công việc.
Cũng nhấn mạnh việc sử dụng AI có thể giúp tăng hiệu suất bằng cách giảm thiểu các công việc trực tiếp và lặp đi lặp lại để tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị hơn, anh Đỗ Minh Tân, lập trình viên của Công ty GMO-Z.com RUNSYSTEM cho rằng sử dụng ChatGPT có thể giúp giảm nhu cầu về số lượng nguồn lực lao động trong một số công việc cụ thể như chăm sóc khách hàng, xử lý dữ liệu, tự động hoá các quy trình kinh doanh…
Liệu có “đe dọa” đến việc làm?
ChatGPT hiện đang là ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Bên cạnh kỳ vọng của những người yêu thích công nghệ, không ít người tỏ ra lo lắng về sự phát triển thần tốc của AI này sẽ đe dọa việc làm của một số ngành, nghề.
Đánh giá về xu hướng ứng dụng AI vào công việc, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search Miền Bắc (Navigos Group) cho rằng hiện nay tại Việt Nam, AI chưa được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực trừ một số ngành như dịch vụ tài chính, ôtô, viễn thông.
[Bộ GD-ĐT sẽ rà soát chính sách để thích ứng với ChatGPT]
Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Giang cho biết trong ngành ngân hàng với số lượng khách hàng và các giao dịch rất lớn hàng ngày, AI có thể được sử dụng để tổng hợp và phân tích các dữ liệu này, từ đó đưa ra các cải tiến về chất lượng dịch vụ hoặc các chiến lược sản phẩm, các cơ chế quản lý rủi ro vận hành, rủi ro tài chính. Còn trong ngành ôtô, AI được tận dụng để phát triển các tính năng điều khiển bằng giọng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Chatbot trả lời tự động như ChatGPT hay Robotic Process Automation-RPA (tự động hóa quy trình bằng robot) hiện mới là công cụ phổ biến ở những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Sở dĩ công nghệ chưa được ứng dụng nhiều do số hóa vẫn còn là "bài toán khó" với phần lớn các doanh nghiệp, đòi hỏi một kế hoạch toàn diện cũng như sự triển khai bài bản và cần nguồn nhân lực có kinh nghiệm dày dặn.
“Trong ngắn hạn có thể là 3-5 năm tới, AI hay ChatGPT sẽ chưa thể thay thế người lao động nhiều và do đó nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sẽ chưa bị ảnh hưởng lớn,” bà Nguyễn Thị Thu Giang nói.
Mặc dù hướng đến sử dụng ChatGPT như là một người trợ lý trong công việc cho tất cả nhân viên trong công ty nhưng anh Lê Vĩnh Thiện đánh giá trong thời gian ngắn sắp tới ChatGPT vẫn chưa thể thay thế được lực lượng lao động.
Lý giải cho nhận định của mình, anh Lê Vĩnh Thiện chỉ ra rằng vẫn còn nhiều dấu hỏi trong chính nội dung của ChatGPT đưa ra ví dụ như tính xác thực, tính nhân văn... của câu trả lời. Ngoài ra, kiến thức của ChatGPT được hình thành từ kinh nghiệm, nội dung của con người, nếu thời điểm nó thay thế người lao động thì kho kinh nghiệm của nó có được tăng lên nữa hay không và còn rất nhiều thứ cần được nghiên cứu, đánh giá thêm.
“Tôi hướng đến tương lai là sự kết hợp giữa người và ChatGPT nhiều hơn, người lao động sẽ giảm dần việc đảm nhiệm các công việc như hiện tại mà sẽ chuyển dịch sang các công việc mới để tận dụng sức mạnh của ChatGPT. Việc ChatGPT phát triển và phổ biến sẽ sinh ra các ngành nghề lao động mới. Tôi nghĩ rằng đây là tương lai gần rất đáng mong chờ bởi chúng ta cũng sẽ học thêm được nhiều điều, phát triển thêm nhiều kỹ năng mới,” anh Lê Vĩnh Thiện chia sẻ.
Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang kéo theo sự thay đổi trong mọi lĩnh vực của con người, rõ ràng nếu người lao động phớt lờ sự xuất hiện của AI trong công việc thì rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Bởi lẽ, đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh biết tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất công việc sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn./.