Theo trang mạng politico.eu, nỗ lực nhằm hủy hoại dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga mà Mỹ thúc đẩy đang đe dọa kéo theo cả Liên minh châu Âu (EU).
Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Mỹ ngày 5/6 vừa qua đã đề xuất một dự luật đề xuất mở rộng phạm vi các lệnh trừng phạt được ban hành hồi tháng 12/2019 nhằm đưa mọi doanh nghiệp có ý định hoặc đã cung cấp bảo hiểm, thiết bị hay các dịch vụ về công nghệ, hạ tầng cảng biển, cáp nối, thăm dò địa điểm dự án cơ sở hạ tầng của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom vào danh sách áp đặt.
Phạm vi lệnh trừng phạt cũng được áp dụng với đường ống dẫn Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng nghị sỹ bang New Hampshire Jeanne Shaheen nói: “Luật trừng phạt ban đầu… đã rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc hoàn thành dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2… Chúng tôi giờ phải tiếp tục các nỗ lực này và đảm bảo Nga không thể lén lút mở rộng những ảnh hưởng thâm hiểm tại châu Âu.”
Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng tin RBC của Nga hôm 2/6 đưa tin cho biết Akademik Cherskiy, con tàu lắp đặt duy nhất có khả năng tiếp tục việc xây dựng đường ống dưới đáy biển của Dòng chảy phương Bắc 2, đã được gỡ tên khỏi danh sách sở hữu chính thức của Gzaprom.
Akademik Cherskiy hiện thuộc về Quỹ Tài sản Năng lượng Nhiệt Samara, một doanh nghiệp chung của hai công ty con trực thuộc Gazprom chuyên về lĩnh vực bất động sản. Hành động này được cho là giúp Akademik Cherskiy tránh phải chịu sự trừng phạt từ các dự luật mới mà Mỹ đề ra.
Thượng nghị sỹ Ted Cruz bình luận: “Putin tìm cách luồn lách khỏi các đòn trừng phạt, và vì vậy dự luật mới nhằm làm rõ một lần cuối rằng mọi thực thể và cá nhân dù cách nào đó vẫn tiếp tục tìm cách lắp đặt đường ống cho dự án này sẽ ngay lập tức phải đối mặt với các đòn trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ”. Ông Cruz gọi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là “đường ống của Putin.”
Dự án với 2 tuyến đường ống dài 1.240km - nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt chuyển từ Nga tới Đức qua tuyến đường dưới đáy Biển Baltic lên 110 tỷ mét khối mỗi năm - gồm hai phần đường ống chạy song song, mỗi đoạn dài khoảng 75km, được đặt tại vùng biển của Đan Mạch và Đức.
Dự án này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Mỹ, Ba Lan, Ukraine và các nước vùng Baltic, vốn xem đây là công cụ để Nga thiết lập ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực từng thuộc Liên Xô cũ. Ủy ban châu Âu (EC) còn lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Đức có lập trường trung lập hơn khi cho rằng đây đơn thuần chỉ là một dự án thương mại - dù các quan chức năng lượng của Đức gần đây đã khước từ đề xuất cung cấp quyền miễn trừ tạm thời cho dự án Dòng chảy phương Bắc theo các quy định mới của EU đối với những hệ thống đường ống xuất phát từ các nước bên ngoài khối.
Nord Stream 2 AG - một doanh nghiệp thuộc Gazprom tại Thụy Sỹ, cho rằng các đòn trừng phạt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giới kinh doanh châu Âu.
Người phát ngôn dự án Sebastian Sass nói: “Các công ty năng lượng Tây Âu, từ Áo, Đức, Pháp và Hà Lan đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ euro cho dự án, và hơn 1.000 doanh nghiệp từ 25 quốc gia cũng đã cam kết ủng hộ việc hoàn thành dự án này.”
Trên thực tế, nhiều đòn trừng phạt trước mà Mỹ đưa ra đã khiến EU không hài lòng. Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, cảnh báo từ năm ngoái: “EU không thừa nhận việc thực thi các đặc quyền ngoại giao cho lệnh trừng phạt của Mỹ, điều mà chúng tôi xem là xâm phạm luật pháp quốc tế.”
Những yêu cầu đòi hỏi EC làm rõ các nỗ lực cần có để bảo vệ doanh nghiệp EU liên quan tới dự án cho đến nay vẫn bị phớt lờ.
[Nga có thể hoàn tất Dòng chảy phương Bắc 2 mà không cần đối tác]
Tháng 1 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Nga sẵn sàng hoàn thành đường ống một mình trước cuối năm 2020, sau khi các đòn trừng phạt mà Mỹ đưa ra vào cuối năm ngoái khiến tập đoàn Allseas của Thụy Sỹ và Hà Lan rút hai tàu lắp đặt khỏi dự án ngay trước Lễ Giáng sinh 2019.
Akademik Cherskiy đã đi từ Biển Nhật Bản tới vùng Baltic trong tháng 5 vừa qua. Giữa tháng 5, các ảnh chụp từ trên cao cho thấy các đường ống đang được di chuyển khỏi khu kho vận của dự án tại cảng Mukran, Đức.
Liệu dự luật mới có được cả 2 viện Quốc hội Mỹ thông qua trước khi dự án hoàn tất hay không lại là một câu chuyện khác. Mateusz Kubiak, nhà phân tích về khí đốt và dầu mỏ tại hãng cố vấn năng lượng Esperis, có trụ sở ở Warsaw, bình luận: “Người Mỹ chỉ có vài tháng để thông qua dự luận, hủy hoại Dòng chảy phương Bắc 2 và đình chỉ dự án này.”
Tuy nhiên, ngay cả khi việc xây dựng hoàn tất, cũng chưa chắc Gazprom có thể chuyển khí đốt theo đường ống này. Yêu cầu quan trọng về sự đồng thuận của Đan Mạch - chứng chỉ với những tiêu chuẩn vận hành sau khi hoàn tất xây dựng - hiện nằm trong nội dung các đòn trừng phạt mới.
Trong giấy phép của Đan Mạch, doanh nghiệp Det Norske Veritas (DNV-GL) của Na Uy được xác định là bên thứ ba độc lập, có trách nhiệm thanh tra đường ống và cấp giấy phép, và doanh nghiệp này cũng nhiều khả năng chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Ông Kubiak nói: “Nếu doanh nghiệp này bị buộc phải đứng ra ngoài lề, thì đó sẽ là một vấn đề lớn.”
Và ngay cả khi về lý thuyết Nga có thể có được sự đồng thuận này, thì “tôi nghi ngờ khả năng họ có thể được xem là bên thanh tra độc lập.”
Nếu Washington thông qua dự luật mới - hoặc thực sự triển khai các đòn trừng phạt được công bố hồi tháng 12 đối với Gazprom, điều mà Mỹ cho đến nay vẫn đang kiềm chế - EU sẽ đối mặt với áp lực lớn bởi doanh nghiệp này cung cấp tới 40% lượng khí đốt cho châu Âu.
Joseph Borrell, một nhà ngoại giao hàng đầu của EU, nhấn mạnh tại hội nghị đại sứ thường niên hồi tháng trước tại Đức: “Chúng ta cần nhớ rằng năng lượng là vấn đề lệ thuộc lẫn nhau… Chúng ta cần một sự cân bằng khéo léo giữa một bên là thái độ cứng rắn và các đòn trừng phạt đánh vào Nga với bên kia là nỗ lực thận trọng để hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể”./.