Nhật báo chuyên về lĩnh vực kinh tế tài chính Les Echos (Pháp) số ra mới đây có bài “Cuộc khủng hoảng nợ: Châu Âu tiến tới kỷ nguyên áp dụng lãi suất âm” của tác giả Isabelle Couet.
Theo tác giả bài viết, châu Âu chưa bao giờ chứng kiến một hiện tượng như vậy. Thị trường nợ đang áp dụng lãi suất ở ngưỡng 0%, và hướng đến áp dụng lãi suất âm.
Nói cách khác, khách hàng - bao gồm chính phủ , các công ty và thậm chí cả hộ gia đình - ngày càng hưởng lợi nhiều hơn khi vay vốn; người vay gần như không phải trả lãi mà thậm chí còn được “trả công” để vay tiền!
Theo Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), hiện số trái phiếu chính phủ tương đương 2.000 tỷ euro đang được giao dịch ở mức lãi suất dưới 0% chiếm tới 1/4 thị trường; còn nợ quốc gia có lãi suất dưới 0,1 % thì không ít hơn 35%.
Các quốc gia châu Âu (trừ Hy Lạp), được đánh giá là an toàn nhất và coi như được "trả công" để vay nợ, đang thoải mái tận dụng vốn vay với mức lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử. Phần Lan là một ví dụ khi vừa phát hành thành công một đợt trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất âm.
Trên thị trường thứ cấp, trái phiếu của Pháp cũng được hưởng mức lãi suất âm kỳ hạn đến bốn năm. Tương tự, trái phiếu của Đức và Thụy Sĩ cũng được hưởng mức lãi suất âm kỳ hạn lên đến 12 năm.
Về phía doanh nghiệp, được hưởng mức lãi suất âm thường là các tập đoàn lớn hay các nhà đầu tư nổi tiếng. Những đối tượng này đang vay vốn với mức lãi suất gần 0% kỳ hạn 1-2 năm.
Các nhà phân tích của ngân hàng RBS đưa ra các ví dụ: Tập đoàn Sanofi Aventis vay với lãi suất 0,06%, Tập đoàn EDF chịu lãi suất 0,07%, Schneider Electric nhận mức tương ứng là 0,08% và mức lãi suất mà tập đoàn GDF Suez vay là 0,08%. Đặc biệt, trong tuần này, lãi suất trái phiếu do tập đoàn Nestlé của Thụy Sĩ trả thậm chí còn trượt xuống - 0,08 %.
Ngày 4/2, Đan Mạch tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống mức -0,75 %, trong nỗ lực nhằm thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ; và một số khoản vay mua nhà tại Đan Mạch có thể được thương lượng với lãi suất âm.
Có xu hướng này là bởi các ngân hàng trung ương đang hỗ trợ cho một tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là nhân tố chính do ngân hàng này đang phải đối mặt với các mối đe dọa giảm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Với tỷ lệ tái cấp vốn gần 0% và tỷ lệ tiền gửi âm, ECB ngày 22/1 đã buộc phải đưa ra một chương trình nới lỏng tiền tệ (QE) khổng lồ lên tới 1.100 tỷ euro để mua trái phiếu của các chính phủ thành viên. Bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ với mức lãi suất thấp, ECB muốn hướng các nhà đầu tư sang các loại hình trái phiếu có mức sinh lời cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp chẳng hạn, từ đó kích thích sản xuất.
Tuy vậy, khi lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng phải giảm theo. Trong khi đó, các nhà đầu tư thì luôn có xu hướng tìm kiếm các trái phiếu có chất lượng tốt với hiệu quả cao, do đó có khả năng kế hoạch này chưa chắc sẽ đem lại thành công như mong đợi./.